Nguồn tin từ Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, đơn vị này đang xem xét việc triển khai cung cấp ứng dụng OTT (gọi điện, nhắn tin miễn phí trên nền tảng Internet) của MobiFone.
Nếu được cấp phép, MobiFone sẽ là nhà mạng đầu tiên của Việt Nam triển khai OTT, sau khi dịch vụ này làm ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình kinh doanh của các công ty viễn thông di động.
Thực tế cho thấy, năm 2013 đã chứng kiến sự bùng nổ của OTT. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) từng chia sẻ, doanh thu của Viettel tăng trưởng chậm lại chính là bởi sự khó khăn của nền kinh tế, bão hòa của dịch vụ điện thoại di động, suy giảm của điện thoại cố định và sự phát triển của các dịch vụ mới. Trong đó, OTT được xem là “thủ phạm” làm “xói mòn” doanh thu của nhà mạng.
Trong cuộc trò chuyện cùng phóng viên Vietnam+, ông Nguyễn Mạnh Hùng thẳng thắn cho biết cuối năm 2013, Viettel đã nghĩ tới chuyện mua các công ty sáng tạo. Và nếu mua OTT, Viettel sẽ đặt các công ty này nằm ngoài Viettel Telecom (đơn vị kinh doanh dịch vụ viễn thông truyền thống) và đưa nó thành một đơn vị độc lập. Việc này sẽ gây sức ép cho Viettel Telecom và là cơ hội cho đơn vị này đổi mới.
Tại Tọa đàm về thị trường viễn thông vào cuối năm 2013, ông Nguyễn Đình Chiến, Phó Tổng giám đốc MobiFone cho biết đang nỗ lực để có tiếng nói chung với các doanh nghiệp OTT. MobiFone đã gặp gỡ Viber, Zalo để bàn cách hợp tác cùng có lợi. Tuy nhiên, cách tiếp cận của nhà mạng và OTT khác nhau nên thời gian tới vẫn sẽ… tiếp tục đàm phán để có tiếng nói chung.
Thế nhưng, với việc xin phép được triển khai OTT, có vẻ như MobiFone đã chọn cho mình một con đường riêng sau khi việc đàm phán giữa nhà mạng và doanh nghiệp OTT đang ở hai thái cực khác nhau.
Cũng giống MobiFone, ông Nguyễn Sơn Hải, Phó trưởng phòng Kinh doanh của VinaPhone cho hay, nhà mạng này đã đàm phán, tiếp xúc với khá nhiều OTT nhưng việc hợp tác chưa được như mong muốn.
Ông Hải kỳ vọng, khi cơ quan quản lý Nhà nước có khung về quản lý và bản thân các doanh nghiệp OTT cũng có sự cạnh tranh, đào thải… thì giữa mạng viễn thông truyền thống và OTT sẽ có tiếng nói chung để đưa tới cho khách hàng có sự trải nghiệm dựa trên sự ổn định của mạng viễn thông và sự phong phú của OTT./.