Trang mạng bbc.com ngày 18/4 đăng bài phân tích của giáo sư về toàn cầu hóa và phát triển Ian Goldin thuộc Đại học Oxford đề cập đến các mối đe dọa chưa từng có mà trí tuệ nhân tạo (AI) đặt ra đối với các nước đang phát triển, nội dung như sau:
Giáo sư Goldin đã dành cả sự nghiệp để nghiên cứu về sự phát triển trên phạm vi quốc tế và cách đây một vài năm, ông đã thành lập nhóm nghiên cứu tại Đại học Oxford để xem xét tác động của các công nghệ đột phá đối với các nền kinh tế đang phát triển.
Có lẽ câu hỏi quan trọng nhất nhóm nghiên cứu đã và đang tìm lời giải đáp là liệu AI sẽ gây ra mối đe dọa hay mang lại những cơ hội mới cho các khu vực đang phát triển như châu Phi.
[Google mở trung tâm nghiên cứu AI đầu tiên tại châu Phi]
Những người lạc quan cho rằng các khu vực đang phát triển có thể nhanh chóng sử dụng các hệ thống AI tiến bộ để tăng năng suất và tạo ra bước nhảy vọt ngoạn mục. Tuy nhiên, tác giả ngày càng lo ngại rằng trên thực tế, AI sẽ là trở ngại đối với tăng trưởng truyền thống bởi AI sẽ dẫn đến sự thay thế các công việc lương thấp bằng robot.
Lý Khai Phục, nhà đầu tư mạo hiểm vào AI của Trung Quốc, cho rằng AI có khả năng trở thành công nghệ mang tính cách mạng nhất xuất hiện trong thế kỷ này. AI, cùng với các công nghệ liên quan đến máy học (khả năng học hỏi, nhận thức của hệ thống máy móc) và robot đang thúc đẩy thế giới với tốc độ chóng mặt.
AI hiện đủ khả năng thay thế nhiều công việc dựa trên quy tắc và được thực hiện lặp đi lặp lại vốn không đòi hỏi nhiều sự khéo léo hay cảm hứng. Tại các nền kinh tế phát triển, trong những thập kỷ gần đây, robot đã thay thế hơn một nửa số công việc trong ngành sản xuất xe hơi và các ngành công nghiệp liên quan.
Các hệ thống tự động đã nhận được sự hài lòng của khách hàng cao hơn so với trả lời trực tiếp của các trung tâm dịch vụ. Điều này có thể dẫn đến việc xóa bỏ một nguồn công việc chính ở nhiều quốc gia. Tương tự, các hệ thống hỗ trợ AI đang dần đẩy con người ra khỏi các công việc hỗ trợ hành chính ở ngân hàng, y tế, bảo hiểm và kế toán. Đây là những vị trí đã thu hút rất nhiều nhân lực ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Việt Nam, Nam Phi và Maroc.
Nghiên cứu của nhóm chuyên gia tại Đại học Oxford cho thấy trong những thập kỷ tới, khoảng 40% số việc làm hiện nay ở châu Âu có nguy cơ bị máy móc được AI vận hành thay thế, con số này ở Mỹ là khoảng 50% và tỷ lệ này ở các nước đang phát triển thậm chí còn lớn hơn. Một số người lập luận rằng AI sẽ tạo ra số lượng công việc mới tương đương với số công việc sẽ được robot đảm nhận và người ta không nên lo lắng quá nhiều. Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng những công việc mới đó sẽ tập trung vào một số khu vực nhất định của những nước phát triển và thế giới đang phát triển sẽ không đón bắt được các cơ hội đó.
Thực tế trên sẽ ảnh hưởng sâu sắc nhất ở các quốc gia nghèo hơn, đã và đang sử dụng lực lượng lao động với chi phí tương đối thấp như lợi thế trong giai đoạn đầu tiên nhằm bắt kịp các nền kinh tế phát triển, chẳng hạn như Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam. Hầu hết các công việc đang bị đe dọa bởi sự phát triển của AI sẽ thuộc loại bán lành nghề. Tuy nhiên, điều trớ trêu là các nước nghèo cũng có xu hướng bị thiếu hụt lao động có tay nghề cao, càng làm suy yếu khả năng cạnh tranh của những nước này.
Sự phát triển của các công nghệ bổ sung sẽ càng khiến tình hình khó khăn hơn. Sự kết hợp giữa công nghệ in 3D và AI cho phép người tiêu dùng ở các nước giàu có tự sản xuất quần áo, giày dép, thiết bị và các sản phẩm khác ở các địa điểm gần nhà hơn. Sự gia tăng của quá trình sản xuất như vậy dẫn đến hệ quả là thời đại phân đoạn sản xuất cho các nước đang phát triển dần dần khép lại.
Guy Ryder, Tổng giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), nhấn mạnh khía cạnh chính trị của chủ nghĩa bảo hộ sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển của AI và các công nghiệp hỗ trợ. Nhu cầu đưa quá trình sản xuất trở lại bản địa ở các nước tiên tiến đang ở mức cao chưa từng thấy cho dù thực tế không phải số lượng việc làm mà chính là AI và các quy trình robot đang được đưa trở lại các nước đang phát triển.
Khi công nghệ ngày càng chiếm ưu thế trong nền kinh tế toàn cầu, khu vực nào của thế giới thúc đẩy sự phát triển công nghệ sẽ ngày càng củng cố vị trí quyết định. Chỉ cần nhìn vào sự tập trung của cải và thu nhập ở những nơi như Thung lũng Silicon chúng ta có thể nhận ra ngay điều đó. Khi xu hướng này lan rộng trên toàn cầu, bất bình đẳng sẽ trở nên tồi tệ hơn. Do tính chất khó đo lường và xuyên biên giới của nền kinh tế kỹ thuật số, các khoản thu thuế của chính phủ bị thiệt hại nặng nề, làm giảm đầu tư vào cơ sở hạ tầng, y tế và giáo dục.
Ngành công nghiệp công nghệ cũng thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực ở một số quốc gia. Tất cả các nền kinh tế hiện nay đều đang cần những người lao động có tay nghề cao làm việc trong các lĩnh vực như AI, nhưng những cá nhân tài năng dù phân bố toàn cầu lại có xu hướng thích sống ở các thành phố an toàn và phát triển vốn mang đến cho họ những cơ hội nghề nghiệp tốt nhất.
Với một số trường hợp ngoại lệ đáng chú ý, chẳng hạn như Bangalore ở Ấn Độ, các nước nghèo hơn sẽ khó thu hút và giữ được những người lao động lành nghề, khiến các nước này càng dễ bị tổn thương hơn. Hiệu ứng tập trung này không chỉ dễ nhận biết về mặt địa lý mà giữa các công ty cũng vậy. Chẳng hạn, chỉ một vài công ty, chủ yếu ở Mỹ và Trung Quốc, hiện đang thống trị AI, có nghĩa là ngay cả các doanh nghiệp châu Âu và Nhật Bản cũng phải vật lộn để cạnh tranh.
Tại các nền kinh tế đang phát triển, các công ty mới thành lập đang hướng tới sử dụng AI để thúc đẩy tăng trưởng và năng suất. Các công ty này cũng đang mang lại cho người dân điều kiện mới về giáo dục, y tế, việc làm và các cơ hội khác. Một trong những công ty tiêu biểu như vậy là M-Pesa, công ty chuyên về dịch vụ chuyển tiền dựa trên điện thoại di động và nền tảng này đang được hơn 60% người Kenya sử dụng. M-Tiba, một ứng dụng khác của Kenya, sử dụng công nghệ tương tự để cung cấp dịch vụ y tế cho hơn 4 triệu người.
Một số chuyên gia cho rằng trí tuệ nhân tạo có thể mang lại những lợi ích đột phá như công nghệ điện thoại di động ở các nước đang phát triển, giúp khắc phục sự hạn chế về cơ sở hạ tầng, một phần dẫn đến tình trạng thu nhập thấp và phát triển bị đình trệ.
Các báo cáo gần đây của Ủy ban phương hướng dẫn đến thịnh vượng thuộc Ngân hàng Thế giới (WB) cũng cho rằng AI và nền kinh tế kỹ thuật số có thể cung cấp giáo dục, việc làm và thu nhập cho người dân ở các nước nghèo, kể cả những người ở khu vực nông thôn, xa xôi hẻo lánh. Tuy nhiên, đó mới chỉ là khởi điểm đối với nhiều công ty như vậy và chúng ta vẫn chưa rõ liệu các công ty này có thành công hay không.
Liệu những kinh nghiệm tích cực ở một vài quốc gia như Kenya có thể được nhân rộng ở những nước khác hay không và liệu những điều tích cực có vượt qua các mối đe dọa, ít nhất là trong các vấn đề việc làm bị thay thế, doanh thu thuế giảm và bất bình đẳng gia tăng.
AI đang tạo ra những rủi ro đối với sự phát triển ở mức cao chưa từng có. Các nhà hoạch định chính sách trên toàn thế giới cần tập trung lắng nghe và thận trọng hơn để đưa ra cách ứng phó./.