Phiên 8/9, giá dầu thế giới đã tăng gần 1%, lên mức cao nhất của 9 tháng, trong bối cảnh giá dầu diesel của Mỹ tại các hợp đồng kỳ hạn tăng.
Thị trường ngày càng lo ngại về khả năng nguồn cung dầu bị thắt chặt, sau khi Saudi Arabia và Nga gia hạn kế hoạch cắt giảm nguồn cung trong năm 2023.
Trong phiên cuối tuần này, giá dầu Brent tăng 73 xu USD, tương đương 0,8%, lên 90,65 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 64 xu Mỹ, tương đương 0,7%, đạt 87,51 USD/thùng.
Tính chung trong cả tuần này, giá dầu Brent và WTI đều tăng khoảng 2%. Tuy nhiên, con số trên vẫn còn khiêm tốn nếu so với mức tăng 5% của dầu Brent và 7% của dầu WTI vào tuần trước.
Chuyên gia Edward Moya, nhà phân tích thị trường tại công ty OANDA, cho biết giá dầu thô tiếp tục chịu sự chi phối của các động lực từ phía nguồn cung. Nhiều khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đồng minh, còn gọi là OPEC+, sẽ tiếp tục thắt chặt thị trường dầu trong mùa Đông.
[Dầu Brent Biển Bắc chấm dứt chuỗi 9 phiên tăng giá liên tiếp]
Đầu tuần này, Saudi Arabia và Nga đã gia hạn cắt giảm nguồn cung tự nguyện, tổng cộng 1,3 triệu thùng dầu mỗi ngày cho đến cuối năm nay.
Tại Mỹ, các công ty năng lượng trong tuần này đã đưa thêm một giàn khoan dầu vào hoạt động, ghi nhận lần tăng đầu tiên (về số lượng giàn khoan) kể từ tháng Sáu. Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho biết hoạt động nhập khẩu và xuất khẩu dầu thô của cường quốc này đã tăng trong tuần kết thúc vào ngày 1/9.
Nhập khẩu dầu thô của Mỹ trong tuần trước đạt trung bình 6,770 triệu thùng/ngày, tăng 154.000 thùng/ngày so với tuần trước đó. Trong khi đó, xuất khẩu dầu thô đạt trung bình 4,932 triệu thùng/ngày, tăng 404.000 thùng/ngày so với tuần trước đó.
Mỹ là một trong những nhà sản xuất dầu quan trọng của thế giới trong những năm qua, nhờ tăng trưởng sản lượng dầu đá phiến.
Các nhà kinh doanh năng lượng lưu ý việc bảo trì theo mùa tại các cơ sở lọc dầu ở Nga trong tháng Chín có thể sẽ làm giảm xuất khẩu dầu diesel.
Hiện thị trường dầu thế giới đang tập trung chú ý về triển vọng nhu cầu ở Trung Quốc, nơi đang chứng kiến tốc độ phục hồi kinh tế chậm hơn so với kỳ vọng. Dữ liệu công bố ngày 7/9 cho thấy kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã giảm trong tháng Tám, trong bối cảnh nhu cầu ở thị trường nước ngoài giảm và chi tiêu tiêu dùng nội địa yếu, gây áp lực lên các doanh nghiệp.
Tại Đức, Hạ viện nước này đã thông qua dự luật có thể làm giảm nhu cầu nhiên liệu hóa thạch trong tương lai, bằng cách loại bỏ dần các hệ thống sưởi ấm bằng dầu mỏ và khí đốt tự nhiên.
Các nhà kinh doanh dầu mỏ thế giới cũng đang theo dõi theo động thái của các ngân hàng trung ương Mỹ và châu Âu. Lãi suất tăng có thể làm chậm tăng trưởng kinh tế và do đó làm giảm nhu cầu dầu mỏ./.