Mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 800.000 tấn chất thải nguy hại

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc môi năm ước khoảng 800.000 tấn.
Mỗi năm Việt Nam phát sinh khoảng 800.000 tấn chất thải nguy hại ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố, lượng chất thải nguy hại phát sinh trên toàn quốc ước khoảng 800 ngàn tấn/năm.

Con số này chất thải nguy hại này được thống kê dựa trên số lượng chất thải nguy hại tối đa dự kiến phát sinh từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và không bao gồm chất thải nguy hại phát sinh từ các hộ gia đình.

​Tại Hội nghị Môi trường toàn quốc lần thứ IV do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tại Hà Nội, ông Nguyễn Văn Lâm, Trưởng khoa Địa chất, Trường Đại học Mỏ-Địa chất, cho biết, hiện nay, đa phần các nguồn thải có phát sinh lượng chất thải nguy hại lớn hàng năm đều đã được thu gom và đưa đến các cơ sở đã được cấp phép để xử lý.

Chỉ tính riêng năm 2014, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trên toàn quốc chiếm khoảng 23 triệu tấn, tương đương với 63.000 tấn/ngày, trong đó chất thải rắn sinh hoạt đô thị phát sinh khoảng 32.000 tấn/ngày. Riêng tại thành phố Hà Nội, khối lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh lên tới 6.420 tấn/ngày ​và Thành phố Hồ Chí Minh là 6.739 tấn/ngày.

“Tính đến tháng 6/2015, trên toàn quốc đã có 83 doanh nghiệp với 56 đại lý thu gom rác có địa bàn hoạt động từ hai tỉnh trở lên được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép và khoảng 130 đơn vị do các địa phương cấp phép hoạt động. Trong đó, riêng công suất xử lý chất thải nguy hại được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép là khoảng 1.300 nghìn tấn/năm,” ông Lâm nói.

Ông Lâm cũng cho biết, hiện nay, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 85% so với chất thải rắn sinh hoạt phát sinh. Tại khu vực nội thành của các đô thị trung bình đạt khoảng 60%. Riêng tỷ lệ thu gom chất ​thải rắn sinh hoạt tại các khu vực nông thôn vẫn còn thấp, trung bình đạt khoảng 40-50%.

Mặc dù vậy, theo ông Lâm, hiện nay vẫn còn hiện tượng các chất thải không có giá trị kinh tế được thu gom và đổ lẫn với chất thải sinh hoạt, thậm chí còn lẫn với chất thải nguy hại, gây khó khăn cho quá trình thu gom, xử lý. Tại nhiều cơ sở sản xuất, hệ thống kho chứa chất thải rắn công nghiệp cũng chưa đạt yêu cầu, không có mái che, khi nước mưa xuống, gây ảnh hưởng đến môi trường.

Trong khi đó, “việc quản lý chất thải rắn chưa phù hợp với xu thế tái sử dụng; hều hết công nghệ xử lý chất thải rắn nhập khẩu không phù hợp với thực tế chất thải rắn Việt Nam cũng chưa được phân loại tại nguồn…,” ông Lâm nói.

Trước thực tế nêu trên, ông Lâm kiến nghị các đơn vị quản lý nhà nước về môi trường cần rà soát, quy định rõ trách nhiệm của Ủy ban nhân dân từ cấp tỉnh tới cấp huyện, xã; nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Mặt khác, “​cơ đơn vị quản lý nhà nước về môi trường cũng cần khuyến khích các cơ sở không có giấy phép và cơ sở hoạt động trong các làng nghề chuyển đổi sang mô hình sản xuất công nghệ sạch, thân thiện với môi trường; tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của các địa phương trong việc kiểm soát chặt chẽ các khu xử lý chất thải, bãi thải nguy hại tại các vùng..,” ông Lâm nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục