Môn thi đầu tiên: Thí sinh lo lắng, nhưng không áp lực

Mặc dù 6h45 phút mới bắt đầu tập trung khai mạc kỳ thi nhưng từ 6 giờ sáng, các thí sinh và phụ huynh đã có mặt tại các cổng trường để dự thi môn đầu tiên, môn Ngữ văn.
Môn thi đầu tiên: Thí sinh lo lắng, nhưng không áp lực ảnh 1Thí sinh ghi tên lên giấy thi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Mặc dù 6h45 phút mới bắt đầu tập trung khai mạc kỳ thi nhưng từ 6 giờ sáng, các thí sinh và phụ huynh đã có mặt tại các cổng trường để dự thi môn đầu tiên, môn Ngữ văn, kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2014.

Khác với mọi năm, tâm trạng chung của các thí sinh năm nay khi bước vào môn đầu tiên là khá lo lắng, nhưng không nhiều căng thẳng và áp lực.

Hồi hộp với môn thi đầu

Là môn có nội dung kiến thức khá lớn nên việc ngữ văn là môn thi đầu tiên khiến nhiều thí sinh tỏ ra lo lắng và hồi hộp. Nhiều em tranh thủ ôn tập mọi lúc mọi nơi, khi ăn sáng, lúc ngồi nghe khai mạc kỳ thi và cả khi chờ đợi đến giờ vào phòng thi.

Tại Hội đồng thi trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Đông), em Đặng Thị Dung, cho biết, em thi khối A nên ba môn Toán, Lý, Hoá em rất tự tin, nhưng Ngữ văn không phải sở trường nên rất lo lắng.

“Em ‘cày’ một tuần liền chỉ có học đúng một môn văn. Thường mỗi đêm em thức đến 11 giờ, riêng tối hôm qua là đến 12 giờ khuya. Văn lại là môn thi đầu tiên nên em càng hồi hộp hơn,” Dung chia sẻ.

Cũng là dân khối A nhưng khác với Dung, em Ngô Doãn Hiếu, học sinh lớp 12A3, trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn không “đầu tư” quá nhiều thời gian vào môn Văn.

“Mấy ngày gần đây em mới ôn nhiều đến văn, dành cho môn này khoảng một đến hai giờ mỗi ngày, còn trước đó em chỉ đọc lướt với khoảng 15 phút. Bây giờ cũng thấy hơi lo lo,” Hiếu chia sẻ. Tuy “hơi lo lo” nhưng cậu học sinh này cười rất tươi với tâm trạng khá thoải mái. “Em chỉ lo phần làm văn, nhưng khác với mọi năm, đề thi năm nay có thêm phần đọc hiểu, phần này chúng em đã được cô giáo ôn tập khá kỹ và thí sinh không cần ôn tập quá nhiều cũng có thể làm được, thế nên em không căng thẳng lắm,” Hiếu chia sẻ.

Môn thi đầu tiên: Thí sinh lo lắng, nhưng không áp lực ảnh 2Em Đỗ Minh Châu tranh thủ ôn bài trước khi được giám thị gọi vào phòng thi. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Ngồi cách chỗ Hiếu không xa, em Đỗ Minh Châu, học sinh lớp 12D4 vẫn miệt mài bên trang đề cương môn văn. Là dân khối D nhưng Châu bảo, ngoại ngữ mới là thế mạnh của em, còn văn lại là sở đoản.

“Cả tối qua em ôn môn văn. Bây giờ em vẫn cố gắng đọc vì sợ quên. Em lo nhất là vào bài thơ Việt Bắc vì em chưa thuộc,” Châu chia sẻ, rồi lại cười tươi bảo: “Nhưng em cũng không lo lắng lắm vì dù văn không phải sở đoản nhưng do thi đại học khối D nên em vẫn phải học môn văn khá kỹ, vì thế, chắc chắn em nắm kiến thức môn văn tốt hơn các bạn khối A, mà đề thi lại ra chung cho cả khối A nên chắc không khó lắm. Riêng phần đọc hiểu, mình có thể biến tấu theo sự cảm nhận bản thân.”

Kỳ thi không nhiều áp lực

Tuy có lo lắng, hồi hộp cho môn thi đầu nhưng hầu hết các thí sinh đều cho biết không quá căng thẳng và áp lực.

Theo em Đỗ Minh Châu, nhận được thông tin kỳ thi năm nay có nhiều đổi mới, em và các bạn trong lớp đã khá lo lắng. Tuy nhiên, khi công bố năm nay chỉ có 4 môn thi, trong đó có 2 môn được tự chọn thay vì thi 6 môn bắt buộc như mọi năm, cả lớp đã nhảy múa reo hò.

“Ít môn thi, chúng em có thời gian tập trung ôn tập tốt hơn, lại là các môn sở trường, vừa ôn để thi tốt nghiệp, vừa ôn để thi đại học. Kỳ thi tốt nghiệp với chúng em vì thế đã không còn nhiều áp lực. Như bản thân em, môn Văn học không tốt lắm nhưng ba môn còn lại sẽ bổ trợ để kéo điểm lên,” Châu vui vẻ cho biết.

Em Ngô Doãn Hiếu cũng chia sẻ: “Ban đầu, em cũng hơi bỡ ngỡ trước những thay đổi, nhưng khi biết thi 4 môn thì em đã tự tin hơn rất nhiều, bớt đi lo lắng cho kỳ thi vượt vũ môn đầu tiên.”

Không chỉ Châu, Hiếu, đây cũng là tâm trạng của đa số thí sinh. Tại điểm thi trường Trung học Phổ thông dân lập Phương Nam (Định Công, Hà Nội), em Nguyễn Văn Quỳnh (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Môn Ngữ văn không phải là môn sở trường của bạn nên em có căng thẳng đôi chút trước khi vào thi, tuy nhiên với nhiều hình thức đổi mới, em cũng không quá áp lực về điểm số, mà chỉ là có chút tâm lý hồi hộp của môn đầu.”

Nhận định chung về tâm lý thí sinh, thầy Nguyễn Quốc Hùng, Phó hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Đông) vui vẻ cho biết: “So với mọi năm, tôi thấy tâm lý các em thoải mái hơn hẳn, không nhiều những lo lắng, những nét mặt căng thẳng. Hy vọng, với tâm lý đó, các em sẽ hoàn thành tốt các bài thi của mình.”/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục