Theo phóng viên TTXVN tại Nam Mỹ, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s ngày 7/1 đã cảnh báo nguy cơ chất lượng tín dụng tại các nước Mỹ Latinh suy giảm trong 12 tháng tới do tăng trưởng kinh tế của khu vực ở mức “khiêm tốn” và mâu thuẫn xã hội ngày một tăng tại một số quốc gia.
Theo Trợ lý Phó Chủ tịch Moody’s Renzo Merino, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của phần lớn các nền kinh tế Mỹ Latinh trong năm nay sẽ cao hơn so với năm 2019 và ghi nhận ở mức từ 2,5%-3,5%.
Tuy nhiên, những rủi ro về mặt chính trị tại khu vực gia tăng cùng với tác động bên ngoài tạo ra nguy cơ đối với triển vọng kinh tế của các nước.
Ông Merino dự báo GDP của khu vực sẽ ở mức thấp hơn dự kiến trong hai thập kỷ qua, đồng thời cho biết phần lớn chính phủ các nước này sẽ giảm được tình trạng thâm hụt ngân sách hoặc duy trì ở mức tương đương năm 2019.
Chỉ một số quốc gia trong khu vực cân bằng đủ ngân sách để ổn định chỉ số nợ năm 2020.
Moody’s cũng khẳng định bất ổn xã hội gia tăng tại Mỹ Latinh đã ảnh hưởng tới triển vọng đầu tư và góp phần khiến tăng trưởng GDP của khu vực giảm trong những năm gần đây.
[Nguồn vốn FDI đổ vào Mỹ Latinh tăng trở lại sau 5 năm suy giảm]
Hồi tháng 10/2019, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã tiếp tục hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ Latinh xuống mức 0,2% trong năm 2019 và 1,8% vào năm 2020, giảm tương ứng 0,4 điểm phần trăm và 0,5 điểm phần trăm so với con số đưa ra trong tháng 7/2019.
IMF điều chỉnh dự báo tăng trưởng của khu vực do tình hình kinh tế, lĩnh vực tiêu dùng tư nhân tại Brazil và Mexico tiếp tục yếu đi trong bối cảnh chính sách bất ổn, niềm tin tiêu dùng giảm sút và chi phí nợ cao tại các nước này.
Cũng trong ngày 7/1, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's (S&P) đã điều chỉnh nâng hạng đối với các khoản nợ nước ngoài trong dài hạn của Argentina từ mức CC lên mức CCC sau khi thừa nhận có sai sót trong lần đánh giá trước đó diễn ra hồi cuối tháng 12/2019.
Theo thông báo của S&P, cơ quan này đã nâng mức đánh giá rủi ro nợ nước ngoài của Argentina từ mức vỡ nợ có lựa chọn (SD) lên mức có độ tổn thương cao, có khả năng bị vỡ nợ (CC/C) hôm 30/12/2019.
Tuy nhiên, sau đó đã phát hiện ra có sai sót trong việc áp dụng các tiêu chí đánh giá và vì vậy cơ quan này quyết định điều chỉnh nâng lên mức CCC.
Mặc dù vậy, S&P cho rằng triển vọng tín nhiệm của Argentina vẫn ở mức tiêu cực và điều này phản ánh những rủi ro hiện hữu của việc thanh toán kịp thời và đầy đủ các khoản nợ theo các tiêu chí ngắn hạn trong bối cảnh thị trường kinh tế và tài chính liên tục biến động.
Tổng thống Alberto Fernandez ngay sau khi nhậm chức hồi giữa tháng 12/2019 đã đưa vào áp dụng một loạt biện pháp khẩn cấp nhằm ổn định tình hình kinh tế của Argentina vốn đang phải trải qua một giai đoạn khủng hoảng kéo dài.
Chính phủ mới của Argentina cũng đang tìm cách tái cơ cấu các khoản nợ nước ngoài, cũng như đàm phán với các chủ nợ để giãn các khoản đến hạn thanh toán. Theo thống kê chính thức, nợ nước ngoài của Argentina hiện đang chiếm khoảng 90% GDP nước này./.