Một năm vụ tấn công ở Pháp: "Bóng ma" khủng bố vẫn ám ảnh

Một năm vụ tấn công đẫm máu ở Pháp: "Bóng ma" khủng bố vẫn ám ảnh

Một năm đã trôi qua, song bóng đen khủng bố vẫn là nỗi ám ảnh bao trùm nước Pháp, trở thành thách thức đối với các lực lượng an ninh và mối đe dọa thường trực đối với người dân Pháp.
Một năm vụ tấn công đẫm máu ở Pháp: "Bóng ma" khủng bố vẫn ám ảnh ảnh 1Hình ảnh đau thương một năm về trước ở Paris. (Nguồn: AP)

Một năm đã trôi qua kể từ sau các vụ tấn công khủng bố kinh hoàng do những kẻ Hồi giáo cực đoan thực hiện gần như đồng thời ở 6 địa điểm công cộng tại thủ đô Paris và vùng ngoại ô nước Pháp, trong đó có vụ bắt cóc con tin tại nhà hát Bataclan, làm 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương.

Thế nhưng, bóng đen khủng bố vẫn là nỗi ám ảnh bao trùm nước Pháp, trở thành thách thức đối với các lực lượng an ninh và mối đe dọa thường trực đối với người dân Pháp. 

Mặc dù chính phủ Pháp ngay lập tức có những động thái mạnh tay nhằm thắt chặt an ninh nội địa bằng việc tuyên bố tiến hành “cuộc chiến không khoan nhượng chống khủng bố,” ban bố “tình trạng khẩn cấp,” đồng thời tăng cường quân số cho lực lượng cảnh sát và quân đội, nhưng từ đầu năm đến nay, nước Pháp vẫn liên tục là mục tiêu của khủng bố, tiếp tục hứng chịu đau thương trong nhiều vụ tấn công với những hình thức biến tấu khác nhau nhưng đều mang “dấu ấn” của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Sau loạt vụ tấn công, chính phủ Pháp đã tăng cường trang thiết bị cho các lực lượng tình báo và an ninh.

Quốc hội Pháp cũng đã thông qua đạo luật trao thêm nhiều quyền cho lực lượng cảnh sát và giới chức tư pháp nhằm ngăn chặn các vụ tấn công, như tăng thời hạn giam giữ các nghi phạm khủng bố mà không cần đưa ra cáo buộc, được phép sử dụng vũ lực đối với các nghi phạm đang chuẩn bị gây ra một vụ tấn công chết người...Biên chế của các lực lượng này cũng được tăng lên đáng kể.

Dưới thời Tổng thống Nicolas Sarkozy từ 2007-2012, Pháp đã giảm 12.000 cảnh sát và hiến binh. Tuy nhiên, trong nhiệm kỳ của mình, Tổng thống François Hollande đã bổ sung gần 9.000 biên chế, chủ yếu cho lực lượng tình báo, đồng thời tổ chức lại các đơn vị với việc thành lập Tổng cục Tình báo An ninh nội địa (DGSI) và Cơ quan Trung ương tình báo lãnh thổ (SCRT). 

Trong khuôn khổ chương trình chống khủng bố Sentinelle, năm 2016, Pháp đã triển khai lực lượng an ninh lên đến 100.000 người, gồm 53.000 cảnh sát, 36.000 hiến binh và 10.000 binh sỹ nhằm đảm bảo an ninh trên toàn lãnh thổ.

Trong số 10.000 binh sỹ trên đường phố, 4.000 người sẽ tuần tra tại Paris và vùng Ile-de-France, 6.000 người tại các tỉnh trên toàn quốc. Bên cạnh đó, chính quyền Pháp cũng đã kêu gọi các công dân từ 17 đến 30 tuổi gia nhập lực lượng dự bị tác chiến.

Theo kế hoạch, nhà chức trách Pháp sẽ huy động khoảng 25.000 quân dự bị hoạt động song song với lực lượng quân đội để giám sát những địa điểm nhạy cảm.

Chính phủ Pháp cũng đã thông qua sắc lệnh thành lập Lực lượng vệ binh quốc gia nhằm tăng cường an ninh trước các vụ tấn công cực đoan trên khắp cả nước.

Tuy nhiên, bất chấp những phương tiện tối tân, hiện đại cùng hồ sơ theo dõi các đối tượng cực đoan của các cơ quan an ninh, nguy cơ khủng bố vẫn luôn hiện hữu, thách thức các lực lượng an ninh Pháp.

Từ gần hai năm qua, lực lượng này luôn phải căng mình để đối phó với những kẻ thù vô hình sẵn sàng gieo rắc nỗi kinh hoàng trên đường phố bằng các vụ đánh bom liều chết. 

Sau mỗi vụ tấn công, lực lượng IS đều tuyên bố đây là hành động đáp trả việc Pháp “báng bổ nhà tiên tri của đạo Hồi”, yêu cầu Pháp ngừng tấn công vào Syria và Iraq, vốn là lãnh địa của IS.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, việc Pháp là một trong những nước phương Tây đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố và chống chủ nghĩa cực đoan khiến IS luôn coi Pháp là mục tiêu hàng đầu chỉ là nguyên nhân trực tiếp. Vấn đề gốc rễ là những mâu thuẫn xã hội âm ỉ, bắt nguồn từ sự cực đoan hóa về văn hóa và tôn giáo.

Để hàn gắn những chia rẽ này, các chính quyền kế tiếp nhau của Pháp phải kết hợp rất nhiều chính sách kinh tế-xã hội nhằm tạo cơ hội phát triển cho tất cả các tầng lớp dân cư, để các vùng ngoại ô nghèo-nơi sinh sống của những người nhập cư, không trở thành “vườn ươm khủng bố.”

Một năm vụ tấn công đẫm máu ở Pháp: "Bóng ma" khủng bố vẫn ám ảnh ảnh 2Tưởng niệm các nạn nhân xấu số. (Nguồn: AP)

Bên cạnh các hoạt động tưởng niệm một năm xảy ra các vụ tấn công khủng bố, báo chí Pháp đã khơi lại những lỗ hổng an ninh và yếu kém của các cơ quan tình báo trong việc lập hồ sơ và theo dõi các đối tượng cực đoan.

Phải thừa nhận rằng đây là công việc hết sức khó khăn do các đối tượng khủng bố giờ đây đã trở nên “muôn hình vạn trạng”, rất khó nhận diện.

Đó có thể là những phần tử đã tham gia thánh chiến ở Trung Đông, nhưng cũng có thể là những thanh niên sinh ra và lớn lên trong những khu phố nghèo, giống như những "xóm liều" trên đất Pháp.

Thực tế cho thấy đến tận ngày 8/11 vừa qua, tức là gần một năm sau, danh tính của kẻ điều phối các vụ tấn công đêm 13/11 tại Paris mới được các cơ quan an ninh Pháp công bố. 

Trong bối cảnh phần lãnh thổ do IS kiểm soát tại Syria và Iraq đang bị thu hẹp đáng kể, cuộc chiến chống khủng bố tại Pháp ngày càng trở nên phức tạp do các phần tử cực đoan sẵn sàng tiến hành cuộc “Thánh chiến” ngay trong lòng nước Pháp.

Một năm đã trôi qua, nỗi ám ảnh khủng bố vẫn đang thường trực ở Pháp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.