Một nhóm nghị sĩ thuộc Nghị viện châu Âu (EP) ngày 14/3 cho biết họ đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán bí mật với Triều Tiên trong vòng 3 năm qua nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng đàm phán về việc chấm dứt chương trình hạt nhân.
Phái đoàn trên do nghị sĩ Anh Nirj Deva đứng đầu, đã gặp các quan chức Triều Tiên, trong đó có một số bộ trưởng, tổng cộng 14 lần và đang lên kế hoạch cho một cuộc gặp mới tại Brussels (Bỉ) trong tương lai gần.
Tin tức về các nỗ lực ngoại giao âm thầm trên được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 5 tới.
Phát biểu trong cuộc họp báo ở trụ sở EP tại Strasbourg (Pháp), nghị sĩ Deva cho biết ông và các đồng nghiệp trong phái đoàn EP về quan hệ với Bán đảo Triều Tiên "luôn ủng hộ đối thoại vô điều kiện" để chấm dứt thế bế tắc hạt nhân ngày một căng thẳng với Triều Tiên.
Ông Deva cho biết tại các cuộc gặp quan chức Triều Tiên, phái đoàn EP đã thuyết phục Triều Tiên về các nguy cơ của chiến tranh hạt nhân và hai bên đã hiểu về những lo ngại của nhau.
Ông cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt cứng rắn của EU chống Triều Tiên là một nhân tố quan trọng đưa Bình Nhưỡng ngồi vào bàn đàm phán.
Theo ông Deva, phái đoàn EP cũng đã gặp một số quan chức cấp cao Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc để thảo luận về việc làm thế nào để có một "Bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa có thể kiểm chứng."
Nghị sĩ này cho biết thêm rằng phái đoàn của ông đóng một vai trò trong việc thúc đẩy "các biện pháp xây dựng lòng tin" để hỗ trợ cuộc đối thoại Mỹ-Triều sắp tới.
[Cuộc gặp Triều Tiên-Mỹ và sự im lặng khó hiểu của Bình Nhưỡng]
Về phần mình, nghị sĩ Áo Paul Ruebig, cũng tham gia các cuộc đàm phán bí mật trên, kêu gọi Liên hợp quốc tham gia các cuộc gặp thượng đỉnh tới giữa Triều Tiên với Mỹ và với Hàn Quốc để nâng tầm quốc tế của các cuộc gặp này.
Thông tin về một cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều vào tháng 5 tới đang làm dấy lên hy vọng sau nhiều tháng căng thẳng leo thang chóng mặt trên Bán đảo Triều Tiên, đặc biệt kể từ khi Bình Nhưỡng tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 (với cường độ mạnh nhất từ trước tới nay) và phóng thử 2 quả tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) về lý thuyết có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.
Trong một động thái nhằm chuẩn bị cho các cuộc gặp tới, Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong-ho đã có chuyến thăm Thụy Điển 2 ngày (15-16/3).
Thụy Điển đang đại điện cho các lợi ích của Mỹ ở Bình Nhưỡng và được coi là kênh liên lạc không chính thức giữa Mỹ và Triều Tiên.
Dự kiến, ông Ri Yong-ho sẽ hội đàm với người đồng cấp Thụy Điển Margot Wallstrom, tập trung vào các trách nhiệm về mặt lãnh sự của Thụy Điển đại diện cho Mỹ, Canada và Australia. Hai bên cũng sẽ thảo luận về tình hình an ninh trên Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, hiện nhà lãnh đạo Triều Tiên chưa khẳng định một cách công khai về kế hoạch gặp Tổng thống Mỹ./.