Một số lễ hội đặc sắc của người dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu

Lễ hội Lùng Tùng, Lễ hội Then Kin Pang, Lễ hội Nàng Han, Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, Lễ hội Hạn Khuống... là một số lễ hội đặc sắc của người dân tộc Thái ở tỉnh Lai Châu.
Người dân và du khách nô nức tham gia trò chơi ném cầu tại lễ hội của người dân tộc Thái. (Nguồn: TTXVN)

Lễ hội Lùng Tùng, Lễ hội Then Kin Pang, Lễ hội Nàng Han, Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, Lễ hội Hạn Khuống... là một số lễ hội đặc sắc của người Thái ở Lai Châu.

Lễ hội Lùng Tùng

Lễ hội Lùng Tùng của dân tộc Thái, huyện Than Uyên được tổ chức hằng năm vào dịp tháng Giêng sau Tết, thường diễn ra từ ngày mùng 6 đến mùng 10 tháng Giêng.

Lễ hội này được tổ chức lần cuối cùng vào năm 1960 và dần bị mai một. Đến năm 2018, lễ hội đã được phục dựng và tổ chức, góp phần bảo tồn gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thái nói riêng và đồng bào các dân tộc của huyện Than Uyên cũng như tỉnh Lai Châu nói chung.

Lễ hội Lùng Tùng (Lễ hội xuống đồng) của người Thái gồm hai phần: lễ và hội. Trong phần lễ diễn ra nghi thức cày bừa, gieo hạt. Chính quyền cùng bà con dân bản xuống đồng tham gia cày bừa, mở đầu cho một năm sản xuất mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, người dân được khỏe mạnh.

Trong phần hội, bà con và khách thập phương được tham gia các trò chơi dân gian như: tó má lẹ, bắn nỏ, kéo co, tung còn và giao lưu văn nghệ với những tiết mục hát dân ca, múa xòe, nhảy sạp.

Lễ hội Then Kin Pang

Hằng năm, cứ vào mùng 10/3 âm lịch, người Thái Trắng ở Lai Châu lại đến xã Khổng Lào, huyện Phong Thổ để dự Lễ hội Then Kin Pang.

Truyền thuyết của người Thái trắng kể lại rằng sau Pô Phà (Vua Trời) là Then có lòng bao dung độ lượng, yêu thiên nhiên cỏ cây, con người. Vì vậy, Vua Trời đã phái các thần Then xuống hạ giới đầu thai thành người phàm trần để cứu nhân độ thế. Ai đau ốm thì được Then cho thuốc. Người nào gặp rủi ro, vận hạn, Then sẽ cầu phúc cho tai qua nạn khỏi.

Then cũng là người đại diện để cầu nguyện các vị thần linh trên trời tạo phúc cho dân, ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, bản Mường yên vui no ấm. Lễ hội Then Kin Pang là ngày các Lụ liệng-Lụ hương (tức là những người con nuôi được Then cầu hồn, chữa bệnh) dâng lễ tạ ơn Then.

Cúng Then là nghi thức không thể thiếu tại Lễ hội Then Kin Pang. (Ảnh: Việt Hoàng/TTXVN)

Bàn thờ Then được trang trí rực rỡ, nhiều màu sắc. Hoa bó mạ là lễ vật chủ đạo vì loài hoa này được xem là biểu tượng của Then Kin Pang - "có hoa bó mạ mới có ngày hội Then."

Lễ vật dâng lên cúng Then gồm 1 con lợn luộc nguyên, 2 con gà trống luộc, trứng gà, xôi nếp cẩm, bạc trắng...

[Lai Châu: Lễ hội Then Kin Pang mang đậm bản sắc của người Thái trắng]

Ngoài bàn thờ và lễ vật dâng lên cúng Then và Then Kin Pang, bao giờ cũng có một mâm lễ cúng tạ ơn những người có công lập bản dựng mường, tạ ơn những vị anh hùng đã có công đánh giặc giữ mường.

Lễ hội Then Kin Pang cũng là dịp để trai bản, gái mường gặp gỡ và thể hiện mình qua những câu hát, điệu múa. Sau lễ hội, nhiều đôi trai gái đã nên duyên vợ chồng.

Lễ hội Nàng Han

Lễ hội Nàng Han được tổ chức vào ngày 15 tháng 2 (âm lịch) hằng năm, tại bản Tây An, xã Mường So, huyện Phong Thổ để tôn vinh, tri ân nữ anh hùng Nàng Han, có công đánh đuổi giặc ngoại xâm của người Thái trắng và mong cầu sự no ấm, cuộc sống an lành, người yên, vật thịnh, mùa màng tươi tốt cho bản làng.

Tương truyền, Nàng Han xuất thân trong một gia đình người Thái nghèo ở Chiềng Sa (nay là xã Mường So, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu). Nàng đã cải trang thành nam giới, đứng lên kêu gọi thanh niên trai tráng các bản đoàn kết đánh giặc. Nàng đứng đầu cuộc khởi nghĩa của đồng bào 16 xứ Thái quật cường đánh bại giặc xâm lược phương Bắc.

Sau khi dẫn đoàn quân thắng trận trở về, nàng tắm gội ở mó nước Tây An (xã Mường So) rồi bay lên trời. Từ đó, nhớ công ơn của nàng, bà con lập đền thờ và tổ chức lễ hội ngay ở mó nước nàng tắm.

Các cô gái Thái múc nước tại nơi Nàng Han tắm gội sau khi đánh thắng giặc trước khi bay về trời. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Lễ hội Nàng Han gồm 6 bài tế lễ, do các thầy mo đảm nhiệm, gồm: Tùng song tơ, Phái lệ tơ, Thá ớc, Thá hu nơ, Then hầu phét, Quát bó héo. Ðặc biệt, trong lễ hội có tới 32 bài múa dân gian của người Thái.

Ðúng ngày chính hội, dân làng tập trung trước ngôi miếu thờ Nàng Han để xem hát múa. Các thầy mo cúng lễ ngay ngoài trời. Vật phẩm dâng lên Nàng Han gồm có hoa quả, gà xôi và những tờ giấy bạc của đồng bào Thái. Thầy mo cúng xong thì các cô gái trong đội múa với trang phục váy cóm thướt tha biểu diễn các bài dân ca truyền thống ca ngợi quê hương, tình yêu và công đức của vị nữ tướng anh hùng.

Phần hội khá sôi nổi và rầm rộ với các trò chơi dân gian phổ biến trong các ngày hội của đồng bào dân tộc như: đẩy gậy, kéo co, tung còn... Ðặc biệt, trò chơi thi bắt cá dưới con suối thu hút đông đảo trai làng biểu diễn. Phần trình diễn ẩm thực của người Thái với những món ăn đặc sắc như: xôi ba màu, cá nướng, rêu nướng ngay bên bờ suối đầu bản...

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu, còn gọi là Lễ hội Cốm mới của đồng bào Thái trắng ở Lai Châu, diễn ra hằng năm vào cuối Thu trên cánh đồng Mường So, huyện Phong Thổ. Đây là dịp để đồng bào thể hiện lòng biết ơn trời đất, thần linh đã ban cho người dân mùa màng bội thu và nhiều điều tốt đẹp.

Người Thái ở Phong Thổ tổ chức Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu để cầu cho dân làng và du khách nhiều điều tốt đẹp, luôn khỏe mạnh, no ấm; cầu mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu gồm 2 phần. Trong phần lễ diễn ra các nghi thức: rước hồn lúa; cúng hồn lúa; giã cốm, cầu bình an; cúng thần linh, cầu phúc và tạ ơn. Sau đó, vào phần hội, đồng bào và du khách cùng tham gia nhiều trò chơi dân gian truyền thống, điệu múa như: kéo co, nhảy sạp, ném còn và múa xòe.

Cho lúa vào cối để giã thành cốm. (Ảnh: Nguyễn Oanh/TTXVN)

Nghi lễ giã cốm, cầu bình an đã thu hút đông đảo du khách trải nghiệm. Công việc chế biến lúa cốm khá phức tạp. Thóc được nướng trong lửa nhỏ, lật liên tục cho nóng đều đến khi nứt hạt và dậy mùi thơm.

Theo quan niệm của người Thái, đây là công đoạn quan trọng quyết định độ ngon của cốm, bởi nếu quá lửa sẽ bị cứng, nếu non lửa sẽ mất đi độ dẻo. Khi nướng xong thóc thì cho vào cối giã, người giã phải đều tay, liên tục và nhịp nhàng để nhịp chày vừa đủ. Cốm giã xong được gói trong lá dong xanh, vừa tăng thêm màu xanh của cốm, vừa lưu giữ mùi thơm của sữa lúa...

Lễ hội Hạn Khuống

Hạn Khuống là một hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống của người Thái. Lễ hội thường được tổ chức sau vụ thu hoạch vào tháng 11 hằng năm.

Nam nữ thanh niên Thái cùng nhau vào rừng đốn vài cây rừng về dựng một sàn ở khu đất trống giữa bản, sàn có thể dựng bằng tre hoặc gỗ, sàn đó được gọi là Hạn Khuống nơi để nam nữ thanh niên Thái đến khắp (hát) đối đáp.

Trên sàn Hạn Khuống chuẩn bị dụng cụ cho nam thanh, nữ tú hội tụ giao duyên; con gái Thái thì quay sợi, cán bông, dệt vải, thêu thùa bằng chỉ màu các loại, có bếp củi để đốt lửa. Dụng cụ cho trai Thái gồm có lạt xanh, lạt đỏ, lạt trắng để đan hom, đan giỏ, hoặc đan các con vật để tặng bạn gái, người mà trai Thái có ý tỏ tình trong đêm khắp (hát) đối giao duyên. Bên cạnh đó, còn có ống điếu và bó đóm bằng tre ngâm khô và thuốc lào. Ngoài ra, còn một số vật dụng khác để đan chải, đan vợt xúc cá... và các loại nhạc cụ như khèn bè, pí pặp, pí thiu, sáo trúc, đàn tính...

Sàn Hạn Khuống dựng cao khoảng 1,2-1,5m, rộng chừng 0,6m, dài chừng 5m, xung quanh có lan can được trang trí hoa văn mang bản sắc dân tộc. Giữa sàn Hạn Khuống có cây nêu bằng tre to, dài để cả phần ngọn còn nguyên lá và trang trí các con giống đủ màu sắc gọi là “Lắc xáy chính." Cây “Lắc xáy chính” này mang bóng dáng của cây vũ trụ. Bốn góc sàn Hạn Khuống có 4 cây nhỏ trang trí đẹp mắt gọi là “Lắc xáy” và sàn đều có cầu thang lên xuống, được gọi là “San bó Han Khuông” (Sàn hoa Hạn Khuống).

Chủ thể Hạn Khuống thường chọn những thiếu nữ Thái xinh đẹp của bản mường, có đức-tài hát đối ứng gọi là "Xao tỏn khuống." Bốn cô gái ngồi ở bốn góc gọi là “Xao lắc xáy."

Khi bếp lửa trên sàn bắt đầu nhóm lên, ngọn lửa cháy rực sáng cả một góc bản mường cũng là lúc các cô chủ Hạn Khuống rút thang lên, quay guồng xa của mình kéo sợi giăng ngang lối lên, xuống sàn Hạn Khuống và cuộc thi tài bắt đầu. Lúc này, các chàng trai Thái muốn lên sàn hoa thì phải thắng trong cuộc hát đối với các cô chủ sàn Hạn Khuống.

Hát đối đáp trong Lễ hội Hạn Khuống. (Nguồn: Cổng Thông tin Điện tử tỉnh Lai Châu)

Khi chàng trai và cô gái nào để ý đến nhau, có tình cảm riêng với nhau thì tự đến bên nhau để tỏ tình bằng những lời khắp đối ân tình, sâu lắng. Cứ như thế, cuộc vui cuốn hút các cô gái Thái thể hiện sự kéo tay bằng việc thêu dệt, xe sợi, cán bông không biết mỏi mệt; còn các chàng trai thi đan giỏ, đan hom, thi thổi sáo, đánh đàn tính bằng những làn điệu níu kéo lòng người, tình người.

Hạn Khuống có thể diễn ra trong nhiều ngày, có các hình thức vui chơi phong phú, đa dạng như tung còn, múa xòe, tó má lẹ, chơi cù...

Khắp đối đáp giao duyên trên sàn Hạn Khuống là sự kết tụ văn hóa Thái ở Tây Bắc nói chung và người Thái ở Lai Châu nói riêng, biểu hiện nét sinh hoạt văn hóa tinh thần đầy cảm xúc của người Thái./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục