Một số nước châu Âu có thể quay lại 'kỷ nguyên đen tối' của bệnh sởi

WHO khuyến cáo cả người lớn lẫn trẻ em sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, thậm chí có thể tử vong, nếu việc tiêm chủng mở rộng không được tiến hành nghiêm túc tại từng cộng đồng dân cư.
Một số nước châu Âu có thể quay lại 'kỷ nguyên đen tối' của bệnh sởi ảnh 1Y tá chuẩn bị vắcxin sởi, quai bị và rubella. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 29/8 cho hay 4 nước châu Âu gồm Anh, Hy Lạp, Cộng hòa Séc và Albania không còn được công nhận là những quốc gia xóa sổ bệnh sởi thành công trong bối cảnh các ca nhiễm sởi gia tăng chóng mặt tại những nước này và châu Âu.

Ông Gunter Pfaff, người đứng đầu Ủy ban Kiểm tra khu vực châu Âu về việc xóa sổ bệnh sởi và  Rubella của WHO, bày tỏ quan ngại trước tình trạng lây nhiễm bệnh sởi xuất hiện trở lại và nhấn mạnh cả người lớn lẫn trẻ em sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh, thậm chí có thể tử vong, nếu việc tiêm chủng mở rộng không được tiến hành nghiêm túc tại từng cộng đồng dân cư.

[WHO cảnh báo số ca mắc bệnh sởi trên toàn cầu tăng mạnh]

Theo thống kê của WHO, có 89.994 ca mắc bệnh sởi được ghi nhận tại 48 nước châu Âu trong nửa đầu năm 2019, gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái và thậm chí cao hơn cả 84.462 trường hợp mắc bệnh này trong cả năm 2018.

Dựa trên dữ liệu của năm 2018, WHO cho rằng các nước Anh, Hy Lạp, Cộng hòa Séc và Albania đã không còn được coi là những quốc gia xóa sổ bệnh sởi thành công.

Quy chế này chỉ được công nhận khi một nước không ghi nhận trường hợp lây nhiễm sởi nào trong 12 tháng trở lên tại một vùng nhất định.

Trong năm 2018 và 6 tháng đầu năm 2019, nước Anh đã ghi nhận lần lượt 953 và 489 bệnh nhân mắc sởi, trong khi đó, con số này ở Hy Lạp là 2.193 và 28 trường hợp.

Tại Albania, đã có 1.466 người mắc bệnh trong năm 2018 và có thêm 475 trường hợp tương tự trong 6 tháng đầu năm 2019, còn Cộng hòa Séc lần lượt là 217 và 569 người.

Giám đốc cơ quan tiêm chủng của WHO, bà Kate O'Brien cho biết các quốc gia trên là những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao song điều quan trọng không phải là tỷ lệ cao mà là hoạt động tiêm chủng phải được bao phủ đồng đều, đến từng cộng đồng, từng gia đình và từng đứa trẻ.

WHO cho biết đã có 35 trong tổng số 53 quốc gia tại châu Âu tuyên bố xóa sổ thành công bệnh sởi trong năm 2018, thấp hơn so với con số 37 nước hồi năm 2017. Có 12 quốc gia châu Âu tuyên bố có dịch sởi, trong đó có Pháp và Đức, riêng Đức đã ra quy định bắt buộc phải tiêm phòng sởi kể từ tháng 3/2020.

Theo thống kê của WHO, bệnh nhân dưới 19 tuổi chiếm tới 60% ca mắc bệnh sởi tại châu Âu trong nửa đầu năm 2019.

Cũng trong khoảng thời gian này, 78% bệnh nhân mắc sởi tập trung chủ yếu tại một số quốc gia châu Âu như  Ukraine, Kazakhstan, hay Nga, trong đó trường hợp mắc bệnh tại Ukraine đã chiếm 60%.

Tính trên phạm vi toàn cầu, có 364.808 ca mắc bệnh sởi trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến 31/7 năm nay, gấp ba lần con số 129.239 ca của bảy tháng đầu năm ngoái. Cộng hòa dân chủ Congo, Madagascar và Ukraine là những nơi có nhiều bệnh nhân sởi nhất. Bệnh sởi cũng tấn công nước Mỹ với số người mắc bệnh cao nhất trong vòng 20 năm qua.

Một số nước châu Âu có thể quay lại 'kỷ nguyên đen tối' của bệnh sởi ảnh 2Tiêm vắcxin phòng bệnh sởi cho trẻ em ở Lviv, Ukraine ngày 21/2/2019. (Nguồn: AFP/TTXVN)

WHO cho biết điều đặc biệt đáng lo ngại cứ 10 ca mắc bệnh thì có tới 9 ca không được thống kê vì vậy con số thực tế có thể là khoảng 6,7 triệu người tử vong trên thế giới vì bệnh sởi mỗi năm.

WHO cho rằng những nguyên nhân khiến nhiều người trên thế giới không được tiêm phòng sởi là do cản trở trong việc tiếp cận với hệ thống chăm sóc sức khỏe có chất lượng hoặc dịch vụ tiêm phòng, hay do sự xuất hiện của cái gọi là "phong trào chống vắcxin" do có ý kiến lo ngại rằng vắcxin tiêm phòng các bệnh sởi, quai bị và rubella gây ra rủi ro mắc chứng tự kỷ ở trẻ em.

Hoạt động tiêm chủng không bao phủ đồng đều giữa các cộng đồng, các vùng địa lý và các nhóm đã khiến cho dịch sởi phát triển mạnh ngay cả tại những quốc gia có tỷ lệ tiêm chủng cao.

Theo WHO, việc tiêm phòng sởi giúp giảm hơn 20 triệu ca tử vong trên toàn thế giới từ năm 2000 đến năm 2016. /.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục