Các trường hợp mắc sởi tăng cao tại Việt Nam và trên thế giới

Trong sáu tháng qua, trên toàn quốc đã ghi nhận hơn 5.600 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 1.266 trường hợp mắc sởi dương tính, không ghi nhận trường hợp tử vong.
Các trường hợp mắc sởi tăng cao tại Việt Nam và trên thế giới ảnh 1Bệnh nhân điều trị tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), trong những tháng đầu năm 2019, các trường hợp mắc sởi liên tục tăng cao trên thế giới, kể cả ở các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vắcxin sởi cao do bệnh dịch lây lan nhanh ở các nhóm người chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh.

Hơn 4.600 trường hợp mắc bệnh sởi

Thống kê mới nhất của Cục Y tế Dự phòng cho thấy, trong sáu tháng qua, trên toàn quốc đã ghi nhận hơn 5.600 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 1.266 trường hợp mắc sởi dương tính, không ghi nhận trường hợp tử vong.

Tích lũy từ đầu năm đến nay, toàn quốc đã ghi nhận hơn 27.400 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi, trong đó có 4.685 trường hợp mắc sởi dương tính, 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Hải Dương.

[Công bố kết quả của dự án nghiên cứu lớn nhất về hệ gene người Việt]

Tại Hà Nội, theo Sở Y tế Hà Nội, trong tuần 27 (từ ngày 1/7-7/7), trên địa bàn thành phố Hà Nội ghi nhận ghi nhận 30 trường hợp mắc bệnh sởi, không có trường hợp nào tử vong. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 16/30 quận, huyện, 28 xã, phường.

Thống kê từ đầu năm đến nay, toàn thành phố có 2.596 trường hợp mắc sốt phát ban nghi sởi/rubella, không có trường hợp tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện, 483/584 xã phường (82%).

Tỷ lệ lấy mẫu xét nghiệm bệnh sởi tại Hà Nội đạt hơn 73% (1.897/2.596), trong đó Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội xét nghiệm 529 mẫu (348 mẫu dương tính sởi); Bệnh viện Nhi Trung ương xét nghiệm 470 mẫu (437 mẫu dương tính sởi); Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xét nghiệm 231 mẫu (201 mẫu dương tính sởi; 02 mẫu dương tính rubella).

Tính từ đầu năm đến nay, toàn thành phố Hà Nội có 1.574 trường hợp mắc sởi, không có trường hợp nào tử vong. Bệnh nhân phân bố tại 30/30 quận, huyện.

Tại Bệnh viện Bạch Mai, phó giáo sư Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới cho hay, trong 6 tháng qua, Trung tâm đã ghi nhận gần 200 trường hợp người lớn mắc bệnh sởi. Đây là số trường hợp mắc bệnh sởi được ghi nhận cao hơn cùng kỳ các năm trước.

Các trường hợp mắc sởi tăng cao tại Việt Nam và trên thế giới ảnh 2

Nguy cơ nhiễm khuẩn của du khách quốc tế

Trước tình hình dịch bệnh sởi có xu hướng lây lan rộng trên phạm vi toàn cầu, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo của đối với hành khách quốc tế nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh sởi.

Theo WHO, sởi là một trong những bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất trên thế giới với nguy cơ tiến triển rất nặng. Năm 2017, năm có số liệu tổng hợp gần nhất, bệnh sởi là nguyên nhân của khoảng 110.000 trường hợp tử vong. Kể cả tại các quốc gia có thu nhập cao, các trường hợp biến chứng chiếm tới 1/4 trong số các bệnh nhân nhập viện và có thể dẫn tới những di chứng lâu dài, từ tổn thương não, mù mắt tới mất khả năng nghe.

Triệu chứng ban đầu của sởi thường là sốt cao, bắt đầu từ 10-12 ngày sau khi phơi nhiễm và kéo dài từ 4-7 ngày. Bệnh nhân mắc sởi có các dấu hiệu như chảy nước mũi, ho, mắt đỏ và chảy nước mắt và những hạt nhỏ màu trắng bên trong vùng má có thể xuất hiện trong giai đoạn đầu. Sau vài ngày, bắt đầu nổi ban và thường ở vùng mặt và phía trên cổ.

Thống kê của WHO cho thấy, hầu hết các trường hợp tử vong liên quan đến sởi là do các biến chứng của bệnh bao gồm cả mù mắt, viêm não, tiêu chảy mất nước nặng, viêm tai giữa, hoặc viêm phổi.

Vì vậy, với mỗi người dân, biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại bệnh sởi là tiêm 2 mũi vắcxin phòng bệnh sởi, vắcxin này thường được phối hợp với vắcxin quai bị và rubella.

Bệnh sởi lây lan khi ho và chảy nước mũi, họng, tiếp xúc gần hoặc trực tiếp với các dịch tiết mũi họng của người bệnh. Trong vòng 2 giờ, virus vẫn hoạt động và có khả năng lây nhiễm trong không khí hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh. Bệnh sởi có thể lây truyền từ người sang người từ 4 ngày trước cho đến 4 ngày sau khi phát ban.

Trẻ em chưa được tiêm vắcxin phòng bệnh sởi có nguy cơ cao nhất bị mắc bệnh sởi và các biến chứng. Bất kỳ ai chưa có miễn dịch với bệnh sởi (ví dụ người chưa được tiêm đủ 2 mũi vắcxin phòng sởi) đều có thể bị mắc bệnh.

Những ổ dịch sởi gần đây cho thấy rõ những khoảng trống trong việc chống lại dịch bệnh sởi ở cả trẻ em và người lớn.

WHO đưa ra khuyến cáo đối với hành khách để ngăn ngừa lây lan quốc tế bệnh sởi. Tất cả các hành khách quốc tế nên kiểm tra tình trạng tiêm chủng để đảm bảo đã tiêm đủ 2 mũi vắcxin sởi.

Những người chưa chắc chắn về tình trạng tiêm vắcxin sởi nên được tiêm ít nhất một mũi vắcxin sởi. Tổ chức Y tế thế giới khuyến nghị tất cả các hành khách nên tiêm vắcxin sởi ít nhất 15 ngày trước khi khởi hành.

Vắcxin sởi có thể được tiêm cùng thời điểm với các loại vắcxin khác như vắcxin sốt vàng. Tất cả các hành khách nên nhận hướng dẫn từ các cán bộ y tế và ý thức về nguy cơ nhiễm bệnh sởi, sự lây truyền và triệu chứng của bệnh sởi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục