Theo trang mạng bloomberg.com, tuần trước, Trung Quốc và Mỹ đã báo hiệu có sự tiến bộ đáng kể trong các cuộc đàm phán thương mại giữa hai bên, khi Chủ tịch Tập Cận Bình hoan nghênh "một sự đồng thuận mới."
Tuy nhiên, một câu hỏi vẫn còn, đó là: Tại sao Mỹ lại chọn đàm phán thỏa thuận song phương với Trung Quốc hơn là cầm đầu một liên minh các nước phương Tây có chung mối lo ngại tương tự về một số cách hành xử thương mại của người khổng lồ châu Á?
Câu trả lời cho câu hỏi này sẽ là một trong những vấn đề hàng đầu trong việc đánh giá liệu một thỏa thuận Trung-Mỹ có phải là một giải pháp quyết định cho một cuộc xung đột sắp xảy ra với nền kinh tế toàn cầu hoặc, thay vào đó, chỉ là một thỏa thuận "ngừng bắn" tạm thời.
Danh sách những phàn nàn của Mỹ đối với các hoạt động thương mại của Trung Quốc được cho là gồm sự mất cân bằng cán cân thương mại, ép buộc chuyển giao công nghệ, trợ cấp trên diện rộng cho các hoạt động thương mại và thiếu sự bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Chính quyền Trump tập trung vào việc buộc Trung Quốc phải nhượng bộ trong tất cả các lĩnh vực này. Họ cho rằng một cuộc xung đột thương mại sẽ gây thiệt hại cho Trung Quốc nhiều hơn là với Mỹ và sẵn sàng chịu đựng tổn thất ngắn hạn do chiến lược này gây ra.
Nhìn qua lý thuyết trò chơi, Mỹ được đánh giá tốt nhất để chiến thắng trò chơi (giải quyết xung đột và thương mại) chuyển từ sẵn sàng hợp tác sang bất hợp tác.
Mặc dù việc chịu khuất phục trước sức ép của Mỹ sẽ không phải là kết quả tốt nhất cho Trung Quốc, nhưng sẽ tốt hơn các giải pháp thay thế có thể có khác, đặc biệt là một cuộc chiến thương mại kéo dài.
Hầu hết, nếu không phải là tất cả, những bất bình về thương mại của Mỹ đối với Trung Quốc được các đồng minh của Mỹ chia sẻ.
Hơn nữa, châu Âu chiếm tỷ trọng xuất khẩu của Trung Quốc lớn hơn so với Mỹ. Theo đó, việc thiết lập một liên minh chung Âu-Mỹ xem ra là rất khả thi và nên làm, và sẽ mang lại một vị thế thương lượng mạnh hơn và đòn bẩy đàm phán lớn hơn.
Với châu Âu, sự hấp dẫn của một cách tiếp cận chung vượt quá khả năng đảm bảo có các các nhượng bộ từ Trung Quốc.
Liên minh châu Âu (EU), vốn đã phải đối mặt với một số thách thức đối với sự thống nhất khu vực, hiện đang phải đối phó với điều mà một số người coi là cách tiếp cận gây chia rẽ và chinh phục của Trung Quốc.
Điều này thể hiện rõ trong chuyến thăm mới đây của Tập Cận Bình tới Roma, nơi ông đạt được thỏa thuận về việc Italy tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc để đổi lấy cam kết đầu tư và cho vay, bất chấp những lo ngại ở phương Tây về cách thức triển khai sáng kiến này ở nhiều nơi khác.
Tuy nhiên, thay vì lãnh đạo một mặt trận chung được hỗ trợ bởi những bất bình và lợi ích chung, Mỹ cho đến nay đã tự mình theo đuổi vấn đề này.
Và thay vì chuẩn bị cho các cuộc đàm phán riêng với Trung Quốc, châu Âu lo ngại rằng một khi Mỹ đạt được thỏa thuận với Bắc Kinh, Chính quyền Trump sẽ thúc đẩy để có được những nhượng bộ từ EU, bao gồm cả ôtô.
Có thể có một lời giải thích đơn giản cho chiến lược của Mỹ, đặc biệt là xem xét qua góc độ lý thuyết trò chơi.
Trước tiên, chiến lược này có ý nghĩa về mặt bối cảnh chính trị trong nước. Không bị cản trở bởi sự cần thiết phải có sự đồng thuận trong liên minh, Mỹ kiểm soát tốt hơn nội dung và thời điểm của một kết quả đã được hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử tổng thống của Donald Trump, giữ đúng nguyên tắc của ông và tránh được việc tranh cãi với đảng Dân chủ (về vấn đề này) trước cuộc bầu cử năm 2020.
Thứ hai, chiến lược của Chính quyền Trump có ý nghĩa về mặt chiến lược "lát cắt salami" đối với các cuộc đàm phán, và "trò chơi được lặp lại" liên quan đến chiến lược đó.
Mục đích là đảm bảo đạt được một thỏa thuận với Trung Quốc bao gồm một điều khoản về "tối huệ quốc" - nghĩa là, nếu cường quốc châu Á đồng ý với các điều khoản có lợi hơn trong một cuộc đàm phán trong tương lai với đối tác khác, những điều khoản này cũng sẽ áp dụng với Mỹ.
Từ đó châu Âu được khuyến khích theo đuổi thỏa thuận riêng với Trung Quốc.
[Đàm phán thương mại Trung-Mỹ đạt tiến triển quan trọng]
Thứ ba, thật hợp lý khi Mỹ duy trì khả năng tiến hành một vòng đàm phán trong tương lai do lo ngại việc thực thi thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc có thể là thách thức.
Rốt cuộc, Trung Quốc sẽ không dễ dàng cắt giảm thặng dư thương mại song phương xuống mức mà Mỹ yêu cầu cũng như Trung Quốc sẽ không dễ dàng rút lui khỏi cách tiếp cận truyền thống đối với các doanh nghiệp nhà nước vì chính quyền Bắc Kinh muốn sử dụng hình thức trợ cấp này để vượt qua những "cơn gió chướng" kinh tế đến từ bên ngoài và tránh bẫy thu nhập trung bình trong quá trình phát triển của đất nước.
Ngoài ra, việc xác minh những hiểu biết về quyền sở hữu trí tuệ là không đơn giản.
Tất cả những điều này cũng cho thấy rằng một thỏa thuận Trung-Mỹ khó có thể đánh dấu một kết thúc quyết định cho giai đoạn căng thẳng thương mại này đối với nền kinh tế toàn cầu.
Thay vào đó, hãy tìm kiếm một thỏa thuận "ngừng bắn" tạm thời có khả năng đương đầu với những thách thức trong việc thực hiện.
Một khi châu Âu và Mỹ giải quyết được các vấn đề thương mại của riêng họ, sau thỏa thuận ngừng bắn này có thể sẽ xuất hiện một liên minh rộng lớn hơn để tìm kiếm sự đảm bảo và nhượng bộ hơn nữa từ Trung Quốc./.