Mùa lễ hội 2018: Giải ‘bài toán’ chọi trâu, ‘cướp’ lộc phản cảm

Những biện pháp nhằm hạn chế hình ảnh phản cảm từ các nghi lễ liên quan đến tục hiến sinh động vật, việc “cướp” lộc được các nhà quản lý đặt ra trước thềm mùa lễ hội 2018.
Mùa lễ hội 2018: Giải ‘bài toán’ chọi trâu, ‘cướp’ lộc phản cảm ảnh 1Một pha quyết đấu tại lễ hội chọi trâu Đồ Sơn 2017. (Ảnh: TTXVN)

Những biện pháp nhằm hạn chế hình ảnh phản cảm từ các nghi lễ liên quan đến tục hiến sinh (đâm-chém-chọi động vật) và việc “cướp” lộc tại các lễ hội được các nhà khoa học, quản lý đặt ra trước thềm mùa lễ hội 2018.

Thay đổi hình thức tổ chức

Rút kinh nghiệm từ những hạn chế của mùa lễ hội 2017 (tình trạng người tham gia lễ hội chen lấn, xô xát để tranh cướp lộc, tạo nên sự phản cảm hay sự việc nghiêm trọng trâu chọi húc chết chủ…), năm nay, nhiều phương án thay đổi cách thức tổ chức lễ hội đã được đề ra.

Ông Lê Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn (Hà Nội), Trưởng Ban tổ chức lễ hội Gióng đền Sóc cho biết, năm nay, lễ hội sẽ có nhiều thay đổi trong khâu tổ chức: thay đổi hình thức lễ tạ, không có hai đoàn rước giò hoa tre và trầu cau từ đền Thượng xuống đền Mẫu và đền Hạ.

Thay vào đó, giò lộc của hai thôn (Vệ Linh, Tao Đàn) sẽ được làm nhỏ để đưa vào trong đền Thượng, sau đó, chia thành nhiều mâm để mang xuống đền Hạ và đền Mẫu. Khi việc tế lễ kết thúc, ban tổ chức sẽ tiến hành phát lộc cho du khách.

[Phó Thủ tướng: ‘Xử lý những hành động khơi dậy lòng tham vật chất’]

“Việc không có hai đoàn rước và chia lễ vật thành các mâm nhỏ nhằm hạn chế sự tập trung của du khách tại một địa điểm trong cùng một thời điểm; từ đó, khắc phục tình trạng chen lấn, xô đẩy, thậm chí giẫm đạp lên nhau để ‘cướp’ lộc rất phản cảm như ở những năm trước,” ông Lê Hữu Mạnh cho biết.

Nói rõ hơn về vấn đề trên, đại diện ban tổ chức lễ hội này cho hay, nghi thức rước giò hoa tre và tục cướp lộc tại lễ hội Gióng là những hạng mục nằm trong hồ sơ đề nghị Tổ chức Giáo dục Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh lễ hội Gióng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo truyền thống, sau khi nghi thức rước lễ vật xuống đền Mẫu, đền Hạ để làm lễ hoàn thành thì du khách mới được cướp lộc.

Tuy nhiên, trong những mùa lễ hội gần đây, thay vì tranh cướp lộc sau tiếng hô “tất lễ” ở đền Hạ và đền Mẫu, những người dự hội thường tranh cướp ngay khi lễ phẩm đang trong quá trình rước từ đền Thượng xuống. “Lực lượng an ninh thì cố bảo vệ đoàn rước và lễ vật, còn người dự hội thì cố tranh cướp lễ vật cho bằng được; từ đó, tạo nên những xô xát, rất phản cảm!” ông Mạnh nhận định.

Mùa lễ hội 2018: Giải ‘bài toán’ chọi trâu, ‘cướp’ lộc phản cảm ảnh 2Năm nay, ban tổ chức lễ hội Gióng thay đổi cách thức tổ chức để tránh tình trạng tranh cướp lộc phản cảm. (Ảnh: TTXVN)

Với lễ hội chọi trâu Đồ Sơn, đại diện ban tổ cũng cho biết, năm nay, lễ hội sẽ có sự điều chỉnh về điều chỉnh quy mô, quy trình tổ chức cho phù hợp với lịch sử, văn hóa truyền thống của lễ hội theo hướng: giảm số lượng trâu chọi (mỗi phường chỉ có một cặp trâu tham gia chọi), không tổ chức vòng đấu loại, thay vào đó, chỉ tổ chức một vòng chọi vào ngày chính hội.

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng khẳng định, trong mùa lễ hội 2018 sẽ không để xảy ra những hình ảnh phản cảm. Ông Nguyễn Văn Hậu, Trưởng Ban tổ chức lễ hội chùa Hương 2018 cho biết, năm nay, ban tổ chức đã đề nghị Ban trị sự chùa Hương thống nhất phương án không phát lộc tại lễ hội, tránh hiện tượng du khách chen lấn, xô đẩy để “cướp” lộc, gây ra tình trạng lộn xộn và sự phản cảm như năm trước.

Trong mùa lễ hội 2018, ban tổ chức lễ hội Lim (Bắc Ninh) đề nghị các liền anh, liền chị không chủ động “ngả nón xin tiền,” đồng thời, tại các lán hát, chỉ tổ chức hát giao lưu quan họ, nghiêm cấm hát nhạc mới và các loại hình âm nhạc truyền thống khác. “Ban tổ chức sẽ xử lý ‘mạnh tay’ (không cấp phép biểu diễn trong các kỳ lễ hội sau) đối với những cá nhân, câu lạc bộ nào cố ý vi phạm,” ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó trưởng ban tổ chức lễ hội khẳng định.

Ai chịu trách nhiệm?

Liên quan đến công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2018, bà Trịnh Thị Thủy - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh, cần thực hiện nghiêm túc công tác phân công, phân cấp quản lý bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân tham gia lễ hội.

Thứ trưởng cho rằng, phải có cơ quan, đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm chính trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội, để tránh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi có sự cố, sự việc xảy ra.

“Nhìn lại mùa lễ hội 2017, có thể thấy, nhiều vấn đề nổi cộm đã được xử lý khi các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc và kiên quyết thực hiện,” bà Trịnh Thị Thủy khẳng định.

Mùa lễ hội 2018: Giải ‘bài toán’ chọi trâu, ‘cướp’ lộc phản cảm ảnh 3Lễ hội chùa Hương thu hút đông du khách. (Ảnh: TTXVN)

Nhiều lễ hội có yếu tố liên quan đến nghi thức hiến sinh đã có sự thay đổi trong cách thức tổ chức, để tránh xảy ra những hình ảnh, tình trạng phản cảm. Ví dụ như, lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh) không tổ chức chém lợn giữa sân đình; lễ hội Cầu Trâu (Phú Thọ) không tổ chức nghi thức đập đầu trâu, thay thế bằng việc thực hành trình diễn nghi thức truyền thống; các làng Cơ Tu (huyện Tây Giang, Quảng Nam) bỏ tục đâm trâu…

Trước năm 2017, cả tỉnh Yên Bái có tám lễ hội chọi trâu. Tuy nhiên, trong mùa lễ hội 2017, bảy lễ hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống đã được dẹp bỏ.

Mặt khác, lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng nhấn mạnh, trong mùa lễ hội 2018, phải kiên quyết xử lý những bất cập để mùa lễ hội diễn ra an toàn, văn minh. Với những lễ hội lớn, còn tồn tại những hiện tượng phản cảm như lễ hội đền Trần - Nam Đinh (xảy ra tình trạng ném tiền lẻ vào kiệu ấn và cướp lộc trên ban thờ), ban tổ chức phải có biện pháp xử lý dứt điểm.

“Chúng ta không thể đổ tại điều kiện khách quan, cơ sở vật chất còn hạn chế so với lượng du khách tham dự, đông người đổ dồn về lễ hội nên không quản lý được. Những hình ảnh, tư liệu về các hiện tượng này đều được ghi lại, phản ánh trên các phương tiện truyền thông, báo chí. Nhiều người tham gia vào hoạt động ném tiền lẻ, cướp lộc ấy là khách mời. Vậy tại sao ban tổ chức không có những biện pháp xử lý mạnh tay ngay sau đó, mà lại để tình trạng này tái diễn nhiều năm? Trong mùa lễ hội 2018, vấn đề này cần tập trung giải quyết dứt điểm,” bà Trịnh Thị Thủy bày tỏ quan điểm./.

Tranh cướp lộc tại Hội đền Gióng năm 2017
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Công văn số 5635/BVHTTDL-VHCS gửi các Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương về việc “Tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2018 và Tết Nguyên đán Mậu Tuất.”

Theo đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương không cấp phép tổ chức lễ hội có nội dung kích động bạo lực, không cấp phép tổ chức lễ hội chọi trâu, hội chọi trâu không phải là lễ hội truyền thống.

Cũng tại văn bản này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị các địa phương xây dựng phương án đảm bảo trật tự, an ninh, công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt chú trọng đến phương án bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi tham gia hoạt động lễ hội; tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy tại các di tích.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Các đôi bò bứt tốc về đích. (Ảnh: Công Mạo/TTXVN)

Tưng bừng Hội đua bò Bảy Núi An Giang năm 2024

Tham gia Hội đua bò Bảy Núi năm nay có 64 đôi bò đến từ các huyện Tri Tôn, Thoại Sơn, Châu Phú, Châu Thành, thị xã Tịnh Biên (An Giang) và các đôi bò đến từ huyện Giang Thành (Kiên Giang).

Festival Thu Hà Nội 2024

Festival Thu Hà Nội 2024

Với nhiều hoạt động sôi nổi, đầy màu sắc cùng giá trị truyền thống văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của mùa Thu Hà Nội, Festival Thu Hà Nội 2024 hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm thú vị.