Mưa lũ đã làm ít nhất 11 người chết, mất tích và bị thương

Tính đến 6 giờ ngày 11/10, mưa lũ đã làm 6 người chết (Thanh Hóa 1, Nghệ An 5 người), 3 người mất tích (Hòa Bình 1, Nghệ An 1, Quảng Trị 1), 2 người bị thương.
Cầu trên đường nối đường N5 vào xã Trù Sơn, Đô Lương (Nghệ An) bị nước chia cắt, ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân(ảnh chụp sáng 10/10). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, tính đến 6 giờ ngày 11/10, mưa lũ đã làm 6 người chết (Thanh Hóa 1, Nghệ An 5 người), 3 người mất tích (Hòa Bình 1, Nghệ An 1, Quảng Trị 1), 2 người bị thương (Hòa Bình 1, Thanh Hóa 1).

Mưa lũ cũng làm 9 nhà bị sập (Hòa Bình 4, Thanh Hóa 3, Nghệ An 2), 2.540 nhà bị ngập (Hòa Bình 5 nhà, Thanh Hóa 432, Nghệ An 584, Hà Tĩnh 1.519).

Nhiều tuyến giao thông bị sạt lở và ngập nước


Theo báo cáo, trận mưa lớn do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới 2 ngày qua đã làm sạt lở 2 điểm tại Quốc lộ 217 đoạn đi qua địa phận tỉnh Thanh Hóa và 13 điểm tại các Quốc lộ 15A, 16, 48D đoạn đi qua địa phận tỉnh Nghệ An; ngập 25 điểm tại các Quốc lộ 15A, 48B, 48D, 48E đoạn đi qua tỉnh Nghệ An. Sạt lở 10 điểm và ngập 4 điểm tại các đường tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình với độ sâu từ 0,3-1,0 m; ngập đường liên thôn, liên xã tại 16 xã thuộc các huyện Hương Khê, Vũ Quang, Can Lộc, Thạch Hà, Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh... Ngoài ra, tuyến đê tả Chu từ K17+245 – K17+332 bị sạt lở mái đê phía sông và đã được xử lý. Tuyến đê bao Tế Nông bị vỡ với chiều dài khoảng 3 m đã được xử lý hàn khẩu xong.

[Mưa lũ gây nhiều thiệt hại, 4 người ở Yên Bái mất tích do lũ cuốn trôi]


Tuyến đê tả sông Yên, thị trấn Nông Cống bị sạt lở 2 đoạn với tổng chiều dài 27 m hiện địa phương đang theo dõi. Đập Ông Già tại huyện Tĩnh Gia bị tràn qua đỉnh 10 cm nhưng nước đã rút về mực nước dâng bình thường. Đập Trại Gà tại huyện Nghi Lộc (Nghệ An) bị mưa lớn tràn qua thân đập và mở rộng tràn 5 m để xả lũ, đảm bảo an toàn đập. Đập hồ chứa Cố Châu tỉnh Hà Tĩnh bị vỡ với với chiều dài 28m, sâu từ 3m¸3,5m, khối lượng ước tính khoảng 810 m3. 145 ha lúa, 2 ha cây ăn quả, 11.642 ha ngô, hoa màu, rau màu và gia súc gia cầm... bị ngập, thiệt hại. Hiện các địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê đánh giá thiệt hại.

Cần theo dõi chặt chẽ tình hình xả lũ

Ngày 11/10, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công Thương cho biết hồ Hòa Bình liên tục phải mở 6 cửa xả đáy vào 19 giờ, 19 giờ 30 ngày 10/10; 0 giờ, 3 giờ, 5 giờ, 7 giờ 45 và 9 h ngày 11/10. Căn cứ vào diễn biến, tình hình thực tế có thể tiếp tục mở thêm cửa xả tại hồ Hòa Bình. Ngoài ra, trong số 168 hồ cập nhật thông tin, có 40 hồ xả qua tràn, lưu lượng về hồ thủy điện các khu vực: Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên Hải miền Trung tăng nhưng các hồ vận hành bình thường.

Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tỉnh Bắc Bộ có 2.984 hồ (286 hồ chứa lớn, 2.698 hồ chứa nhỏ), trong đó 85/286 hồ chứa lớn đã đạt hoặc xấp xỉ đạt mực nước dâng bình thường; các hồ chứa nhỏ cơ bản đã đạt hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường (riêng các tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn, mực nước các hồ còn thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 1-3,5m). Có 138 hồ chứa xung yếu (64 hồ lớn, 74 hồ nhỏ).

Các tỉnh Bắc Trung Bộ có 1.920 hồ (132 hồ chứa lớn, 1.788 hồ chứa nhỏ). Trong đó, 74/132 hồ chứa lớn đã đạt hoặc xấp xỉ mực nước dâng bình thường; số hồ còn lại mực nước thấp hơn mực nước dâng bình thường từ 0,5 - 3,0m. Trong tổng số 32 hồ có cửa van, hiện 9 hồ đang xả nước: Cửa Đạt 800m3/s, Sông Mực 20m3/s. Đồng Chùa 100m3/s (Thanh Hóa); Vực Mấu 400m3/s, Sông Sào 300m3/s (Nghệ An); sông Rác 30m3/s, Thượng Sông Trí 30 m3/s, Kim Sơn 15m3/s (Hà Tĩnh); Thác Chuối (Quảng Bình) 44m3/s.

Các hồ chứa nhỏ tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh hầu hết đạt trên 80% dung tích thiết kế; các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế các hồ đạt trung bình 65-90% dung tích thiết kế. Các tỉnh có nhiều hồ đầy nước gồm: Thanh Hóa 530/584 hồ; Nghệ An 516/588 hồ; Hà Tĩnh 300/316 hồ. Trong đó, có 83 hồ chứa xung yếu tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh... Các lực lượng quản lý hồ chứa theo dõi chặt chẽ diễn biến công trình nhất là tại những trọng điểm xung yếu, những hồ đã tích đầy nước, những công trình đang thi công, sửa chữa dở dang, các hồ chứa nhỏ do địa phương quản lý để xử lý kịp thời các sự cố xảy ra đảm bảo an toàn công trình.

Đến thời điểm này, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An đã tổ chức sơ tán 391 hộ dân tại các khu vực trũng, thấp, có nguy cơ ngập lụt, sạt lở, lũ quét đến nơi an toàn. Tỉnh Bình tổ chức hỗ trợ 58 hộ dân di dời các lồng bè nuôi trồng thủy sản, 3 doanh nghiệp di dời các thiết bị, máy móc ven sông thuộc thành phố Hòa Bình; di dời trên 80 hộ dân hạ du hồ Cháu, huyện Đá Bắc khi mực nước cao qua tràn gây sạt lở hạ lưu, nguy cơ mất an toàn đập.

Để tiếp tục chủ động ứng phó với mưa lũ, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Cục trưởng Cục ứng phó và khắc phục thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đức Quang đề nghị tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình mưa, lũ các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, đặc biệt là tình hình lũ ở hạ du hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình do xả lũ khẩn cấp hồ chứa thủy điện Hòa Bình; lũ, lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh vùng núi phía Bắc và chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.

Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tăng cường lực lượng, phương tiện đảm bảo việc ứng phó, ứng cứu kịp thời và hiệu quả. Các đơn vị liên quan rà soát, sẵn sàng triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn cho hạ du, đặc biệt là hệ thống đê điều, các khu tập trung dân cư, các hoạt động trên sông, ven sông ở bãi sông. Đồng thời, tăng cường tần suất cung cấp các bản tin cảnh báo, dự báo kịp thời, đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để chủ động ứng phó kịp thời với mưa lũ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục