Mưa lũ tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình

Mưa lớn tiếp tục gây ngập lụt nhiều ngôi nhà, hàng trăm ngàn hecta lúa cùng hàng trăm ngàn gia súc-gia cầm ở 3 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị bị chìm trong nước; giao thông tê liệt.
Mưa lũ tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình ảnh 1Nhiều hộ dân xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bị ngập chìm trong nước lũ. (Ảnh: Phan Quân/TTXVN)

Mưa lớn gây ngập lụt và nhiều điểm bị sạt lở khiến hệ thống giao thông đi qua Quảng Bình hiện nay bị tê liệt.

Đặc biệt có 4 tàu hỏa với tổng số hành khách gần 400 người phải dừng đỗ lại dọc đường trên địa bàn tỉnh, do mưa lũ lụt gây chia cắt tuyến đường sắt Bắc-Nam.

Các tàu phải dừng đỗ lại dọc đường tại Quảng Bình là tàu TN2 phải dừng đỗ lại tại ga Mỹ Đức (thuộc huyện Lệ Thủy); tàu SE 19 đỗ lại ga Lạc Sơn (thuộc huyện Tuyên Hóa); tàu SE21 và VH32 phải đỗ lại ga Đồng Hới (thuộc thành phố Đồng Hới).

Đối với các tàu phải dừng đỗ do lũ chia cắt tại tỉnh Quảng Bình, bên cạnh hỗ trợ suất ăn miễn phí cho hành khách, ngành đường sắt cũng đang tích cực phối hợp với lực lượng phòng chống cứu nạn tại tỉnh Quảng Bình để tiến hành tăng bo, vận chuyển hành khách ra khỏi vùng bị cô lập.

Đồng thời tập trung nhân lực, vật lực để nhanh chóng sửa chữa những đoạn hư hỏng, sớm đưa đường sắt Bắc-Nam đoạn qua Quảng Bình lưu thông an toàn trở lại. Tuy vậy trong ngày hôm nay, tại Quảng Bình mưa lớn tiếp tục diễn ra trên diện rộng nên công tác sửa chữa bị gián đoạn, gặp nhiều khó khăn.

Từ ngày 12-15/10, trên địa phận tỉnh Quảng Bình có mưa rất to, lũ trên các sông lên nhanh, chảy xiết gây sạt lở mái taluy, xói nền đường tại nhiều vị trí trên tuyến đường sắt.

Cùng với việc tích cực sửa chữa, khắc phục hậu quả, lực lượng chức năng còn tiến hành phong tỏa tuyến đường sắt, cấm tàu qua lại nhằm đảm bảo an toàn cho người và phương tiện. Nên nhiều tàu hỏa phải dừng đỗ lại tại Quảng Bình.

Tính đến chiều nay (15/10), tỉnh Hà Tĩnh đã có 3 người chết và mất tích do mưa lũ. Đó là anh Trần Văn Trung, sinh năm 1985, quê xã Cẩm Quan, huyện Cẩm Xuyên, trong lúc giúp hàng xóm di dời tài sản, do sơ suất đã sảy chân chết đuối; chị Nguyễn Thị Loan, sinh năm 1982, phường Đại Nài, thành phố Hà Tĩnh, bị chết đuối do lật thuyền. Một người mất tích là anh Thân Văn Thuần, sinh năm 1986, quê xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, rơi xuống kênh Linh Cảm bị nước cuốn trôi.

Bên cạnh bị thiệt hại về người, mưa lớn cũng gây ngập lụt 93 xã trên địa bàn của 9 huyện, thị xã và thành phố với 24.158 hộ dân. Địa phương có số xã bị ngập nhiều nhất như là huyện Thạch Hà với 24 xã bị ngập, Cẩm Xuyên với 20 xã, huyện Hương Khê 16 xã bị ngập; 723ha lúa bị ngập, hoa màu bị ngập úng hư hại trên 1.416ha.

Gia cầm bị chết và cuốn trôi trên 99.000 con; gia súc bị chết và bị cuốn trôi gần 2.000 con trâu, bò và lợn. Đường giao thông sạt lở trên 3.170m3 đất, đá; cầu cống bị xói, lở và hư hỏng trên 16 cái… Mưa lớn cũng đã làm một số tuyến đường giao thông bị ách tắc như Quốc lộ 15B, Quốc lộ 15, các tuyến đường tỉnh lộ ĐT 553 và ĐT 554.

Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã chủ động triển khai các biện pháp sẵn sàng ứng phó với tình hình mưa lũ, đặc biệt là tình huống bão Sarika có khả năng đổ bộ vào các tỉnh miền Trung; tăng cường công tác quản lý tàu, thuyền trên biển, đảm bảo an toàn kho hàng, bến cảng, nhà, cửa tài sản của nhân dân; công trình đê điều, an toàn hồ chứa.

Tiếp tục tập trung cao độ cho công tác ứng phó với tình hình mưa, lũ. Kiểm tra, chỉ đạo và vận hành an toàn hồ chứa, điều tiết xả lũ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện hợp lý đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các công trình và hạn chế ngập lụt ở vùng hạ du.

Mưa lũ tiếp tục gây nhiều thiệt hại cho các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình ảnh 2Người dân tỉnh Quảng Trị giúp nhau di chuyển đồ đạc sau khi lũ rút. (Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN)

Do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới, từ trưa ngày 14 đến rạng sáng ngày 15/10, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có mưa to đến rất to trên diện rộng và lượng nước từ thượng nguồn đổ về lớn đã khiến cho một số địa phương của tỉnh Quảng Trị bị lụt cục bộ.

Tại huyện Vinh Linh, theo Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện, hiện trên địa bàn huyện có trên 950 nhà dân ở 11 thôn trong 4 xã Vĩnh Long, Vĩnh Thủy, Vĩnh Lâm và Vĩnh Hà bị ngập trong nước từ 0,5-1m; trong đó xã Vĩnh Long là địa phương có số hộ dân bị ngập lụt lớn nhất với hơn 450 nhà.

Ngoài ra, trên địa bàn của 4 xã còn có 10 điểm trường học và 3 trung tâm y tế bị ảnh hưởng,…

Anh Lê Đa Vinh ở thôn Sa Nam, xã Vĩnh long cho biết, mặc dù đã được xã báo trước và có phương án chuẩn bị phòng chống nhưng do lượng nước thượng nguồn đổ về quá lớn, nhanh nên người dân không kịp trở tay di chuyển của cải, vật dụng, lương thực, thực phẩm đến nơi khô ráo để cất giữ.

Ngoài ra, theo thống kê ban đầu của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Vinh Linh, mưa lũ còn gây ngập úng hơn 150ha hoa màu, 100ha sắn, 45 tấn lúa bị ướt; hơn 10.000 gia súc và gia cầm bị chết; 70% diện tích nuôi trồng thủy sản của 3 xã bị thiệt hại từ 30-70% và một số công trình thủy lợi đê điều, kênh mương, hồ chứa, trạm bơm, đường giao thông… bị hư hại.

Hiện nay lãnh đạo chính quyền các cấp huyện Vĩnh Linh đã và đang tổ chức đến các địa phương bị ngập lụt để động viên, thăm hỏi người dân vượt qua khó khăn trước mắt, khắc phục các thiệt hại, sớm ổn định đời sống, sản xuất./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục