Ngày 22/7, tuần báo The Arab Weekly đăng bài phân tích về làn sóng biểu tình đang diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố ở Iraq suốt 2 tuần qua.
Theo bài viết, các cuộc biểu tình diễn ra ở khắp các khu vực miền Nam Iraq đã khiến giới chính trị gia nước này lo lắng, buộc chính phủ Iraq phải đưa ra một số cam kết nhằm đáp ứng một số yêu sách của người biểu tình, trong khi các lực lượng an ninh sử dụng các biện pháp mạnh tay để trấn áp các cuộc bạo loạn.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng sẽ không có nhiều chuyển biến “trong một sớm một chiều” như kỳ vọng.
Các cuộc biểu tình yêu cầu chính phủ tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng dịch vụ công bùng phát hôm 8/7 tại thành phố Basra, khu vực giàu dầu mỏ ở miền Nam Iraq và sau đó đã lan rộng ra nhiều thành phố khác, nơi có đa số người Hồi giáo dòng Shiite sinh sống.
Một số cuộc biểu tình đã chuyển thành bạo lực, cướp đi sinh mạng của ít nhất 11 người, nhiều tòa nhà trụ sở chính quyền và văn phòng của các đảng phái chính trị bị hư hại nặng.
Các nhóm hoạt động nhân quyền cho biết các lực lượng an ninh đã đáp trả bằng những biện pháp mạnh tay kể cả khi các cuộc biểu tình diễn ra một cách hòa bình.
Phó Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông và Bắc Phi của Tổ chức Ân xá Quốc tế (AI), bà Lynn Maalouf cho biết: “Chúng tôi đang theo dõi sát diễn biến leo thang ở khắp miền Nam Iraq và cực kỳ lo ngại về những thông tin cho rằng các lực lượng an ninh đang đánh đập, bắt giữ một cách tùy tiện và thậm chí nổ súng nhằm vào những người biểu tình hòa bình.”
Theo bà Maalouf, việc ngăn chặn truy cập Internet đã cho thấy rằng nhà chức trách Iraq có điều gì đó phải che giấu.
Trong khi đó, Đại diện đặc biệt của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về Iraq, ông Jan Kubis đã hối thúc Baghdad giải quyết những quan ngại “hợp pháp” của những người biểu tình.
Ông Kubis kêu gọi các chính trị gia đảm bảo rằng chính quyền mới ở Iraq sẽ dành ưu tiên cho công tác điều hành đất nước một cách có hiệu quả, tiến hành các chương trình cải cách, đấu tranh chống tham nhũng nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế, tạo thêm việc làm và cải thiện chất lượng dịch vụ công.
Người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, ông Farhan Haq tuyên bố: “Chúng tôi kêu gọi tất cả các chính trị gia hợp tác trên tinh thần xây dựng để hoàn tất quá trình kiểm lại phiếu bầu cử với quan điểm nhằm hướng tới việc thành lập chính phủ mới mà sẽ giải quyết những nguyện vọng chính đáng của nhân dân Iraq.”
Người dân ở Basra thường xuyên than phiền rằng họ không được hưởng lợi nhiều từ nguồn thu dầu mỏ, nguồn tài nguyên mà khu vực này đã đóng góp cho đất nước.
Họ cho rằng các thành viên của các đảng phái chính trị và lực lượng dân quân Hồi giáo dòng Shiite cũng như các công ty nước ngoài đang hưởng “đặc quyền, đặc lợi” ở thành phố này.
Chính phủ Iraq đã thành lập một ủy ban để điều tra về những vấn đề liên quan tới các yêu sách của người biểu tình, đồng thời cam kết tạo thêm 10.000 việc làm cho người dân Basra.
Ngoài ra, chính phủ cũng sẽ chi 3 tỷ USD cho các dự án cung cấp điện và nước sạch cho khu vực này.
[Làn sóng biểu tình ở miền Nam Iraq bước sang tuần thứ hai]
Theo truyền thông Iraq, người dân Basra đã nộp hơn 60.000 đơn xin việc trong khi số việc làm mới được hứa hẹn chỉ có 10.000.
Phát biểu trên kênh truyền hình Sharqiya TV, ông Mohamed al-Salami, một nhà hoạt động Iraq, cho rằng “các cuộc biểu tình sẽ tiếp tục diễn ra nhưng theo hướng có tổ chức hơn”. Ông Salami cũng cáo buộc chính quyền không đoái hoài đến những nhu cầu cấp bách của nhân dân bất chấp các cuộc biểu tình lớn.
Trong khi đó, giới quan sát cho rằng tình trạng thiếu việc làm và các dịch vụ cơ bản là một trong những “triệu chứng” khiến các vấn đề ở Iraq trầm trọng hơn.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng quốc gia Trung Đông này đang lâm vào cảnh “túng bấn” và rất khó khăn về tài chính do nguồn thu từ dầu mỏ sụt giảm, trong khi phải gánh chịu nhiều chi phí cho các cuộc giao tranh, xung đột triền miên.
Do ngân sách hạn hẹp, chính quyền Baghdad không thể thực hiện “đến nơi đến chốn” các kế hoạch phát triển cả ở cấp độ quốc gia lẫn địa phương và hiện đang phải “giật gấu vá vai” để cung cấp những dịch vụ công cơ bản, trong đó có điện và nước sạch cho người dân.
Đây được cho là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới các cuộc biểu tình ở nước này trong những ngày qua. Tại các khu vực phía Đông và phía Nam Iraq, nơi tập trung chủ yếu là người Hồi giáo dòng Shiite, dường như đang phải đối mặt với một thách thức khác, đó là sự trì trệ và yếu kém trong quản lý của chính quyền địa phương cùng với vấn nạn tham nhũng “kinh niên.”
Nỗi khổ của người dân lại thêm chồng chất trong bối cảnh thời tiết mùa Hè nóng bức, Iran vừa ngừng cấp điện cho Iraq, khiến tỉnh giàu dầu mỏ Basra cùng với một số khu vực khác lâm vào cảnh mất điện trên diện rộng. Người dân địa phương phải sống trong cảnh mất điện khi nhiệt độ thường xuyên ở mức trên 50 độ C.
Chính những “bức bối” này được cho là đã góp phần khiến các cuộc biểu tình nổ ra ở các tỉnh Basra, Dhi Qar, Maysan và Muthanna.
Theo nhà phân tích chính trị Hussein Allawi, những người biểu tình đã thể hiện “sự bất bình hợp pháp,” nhưng ông cho rằng thời điểm các cuộc biểu tình nổ ra đúng vào những ngày cuối cùng của chính phủ Iraq sắp mãn nhiệm.
Ông nhận định các chương trình cải cách cũng như các giải pháp sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào chính phủ nhiệm kỳ tới ở Iraq, và cho đến nay mọi thứ vẫn chưa rõ ràng.
Nhà phân tích này cho rằng các nhóm chính trị đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 12/5 vừa qua cần phải tham gia vào quá trình tìm kiếm giải pháp xử lý khủng hoảng hiện nay.
Ông Allawi cũng cảnh báo “mọi sự chậm trễ trong việc thành lập chính phủ mới sẽ chỉ làm trầm trọng thêm làn sóng biểu tình.”
Trong khi đó, ông Mohamed Salem, một nhà phân tích chính trị khác của Iraq, cho rằng người dân ở miền Nam nước này đã phải xuống đường vì họ “chán ngấy” những điều kiện sống khổ sở hiện nay và nhiều người không có việc làm.
Theo ông Salem, nhà chức trách nước này đã điều hành nền kinh tế không hiệu quả với chính sách phụ thuộc quá nhiều vào việc nhập khẩu từ nước ngoài.
Theo giới quan sát, làn sóng biểu tình ở nhiều tỉnh, thành phố của Iraq là những diễn biến hết sức nguy hiểm.
Nếu các nhà chức trách nước này không có biện pháp xử lý kịp thời và giải quyết triệt để những vấn đề xã hội “nhức nhối” hiện nay, và các phe nhóm chính trị không gạt bỏ được bất đồng cũng như toan tính riêng để sớm thành lập chính phủ mới, quốc gia Trung Đông này có nguy cơ đối mặt với một “Mùa Xuân Arab” mới như đã từng xảy ra ở nhiều nước Trung Đông - Bắc Phi cách đây 7 năm./.