Tại Nam Cực, nhóm nghiên cứu của Trung tâm Concordia hợp tác giữa Pháp-Italy đang chuẩn bị để tồn tại suốt 6 tháng mùa Đông, trong đó có 4 tháng Mặt Trời hoàn toàn không mọc - và nghiên cứu khoa học tại một trong những vùng đất cằn cỗi nhất thế giới.
Năm nay, nhóm nghiên cứu do tiến sỹ y khoa Beth Healey dẫn đầu và được Cơ quan Hàng không Vũ trụ châu Âu (ESA) tài trợ sẽ thực hiện 5 thử nghiệm nhằm giúp chuẩn bị cho những nhiệm vụ khám phá Hệ Mặt Trời dài ngày sau này.
Điều kiện sống tại trạm Concordia cao 3.200 mét so với mặt nước biển cũng giống như trong vũ trụ, nơi nhóm nghiên cứu bị tách biệt với phần còn lại của thế giới, không có ánh Mặt Trời, và áp suất hạ thấp.
Tiến sỹ Beth Healey và nhóm nghiên cứu sẽ tìm kiếm những sinh vật có thể sống sót trong điều kiện khắc nghiệt này, cũng như theo dõi cách những người trong nhóm tương tác và đối mặt với việc sống trong những khu vực khép kín, duy trì hoạt động của trạm và tiến hành các nghiên cứu khoa học khác.
Kiểm tra dữ liệu
Các thử nghiệm khoa học thường bao gồm việc so sánh các kết quả thu được từ những địa điểm khác nhau thuộc các thời điểm khác nhau. ESA đã ký một thỏa thuận với Đoàn Khảo sát Nam Cực của Anh (BAS) để tiến hành hai trong số 5 thử nghiệm tại trạm Halley VI của họ. Nếu kết quả ban đầu khả quan, ESA sẽ mở rộng hợp tác.
Concordia là nơi các nhà khoa học của ESA có thể tìm hiểu cách con người thích nghi với việc sống trong môi trường tách biệt ở độ cao lớn. Nhóm nghiên cứu tại Halley sẽ phải trải qua sự tách biệt và thiếu ánh sáng tương tự, nhưng họ sẽ sống ở độ cao ngang với mực nước biển.
Sự khác biệt này sẽ giúp các nhà nghiên cứu loại bỏ một yếu tố có khả năng ảnh hưởng tới dữ liệu, đó là áp suất không khí.
Hợp tác nghiên cứu khoa học
Trong sáu tháng tới, những người tình nguyện tại Halley và Concordia sẽ làm nhật ký bằng video và được quan sát các hoạt động tương tác xã hội. Từ đây, một phần mềm máy tính khách quan sẽ đánh giá và đưa ra những phác họa về trạng thái tâm lý của phi hành gia.
Phần mềm sẽ phân tích những thay đổi dù là nhỏ nhất về ngữ điệu và ngữ pháp của người nói, cũng như lập biểu đồ về mức độ giao tiếp của mọi người để hiểu về cảm giác của họ.
Thử nghiệm thứ hai được thực hiện tại cả hai địa điểm nghiên cứu sẽ kiểm tra khả năng thích ứng của mắt người với 4 tháng liền trong bóng tối và dưới ánh sáng nhân tạo.
David Vaughan, giám đốc khoa học của BAS kết luận: “Chúng tôi sẵn lòng hỗ trợ thực hiện các thử nghiệm khoa học tại Nam Cực. Chúng tôi rất hào hứng khi được thực hiện những thử nghiệm này tại cơ sở của mình, những thử nghiệm có thể đóng góp vào việc chuẩn bị cho chuyến phiêu lưu lớn nhất trong lịch sử, khi con người đặt chân lên Sao Hỏa”./.