“Mùng 3 Tết thầy” - phong tục đẹp của người Việt ngày đầu Năm mới

Người thầy được tôn kính ngang với cha mẹ, phong tục "Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy" cho thấy ý nghĩa to lớn của truyền thống tôn sư trọng đạo - nét đẹp văn hóa của người Việt Nam.
Dù học trò đã thành danh, khi có dịp vẫn quây quần bên cô giáo như những ngày thơ bé. (Nguồn: Vietnam+)

Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, người Việt ai cũng nhớ câu thành ngữ “Mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 Tết thầy” - một phong tục đẹp thể hiện sự tôn kính, biết ơn đối với các bậc sinh thành và những người truyền dạy kiến thức để chúng ta trưởng thành.

Ở đây có thể thấy điều đặc biệt mà ít dân tộc có được, đó là sự tôn kính người thầy ngang với sự tôn kính cha và mẹ.

Theo phong tục, ngày mùng 1 Tết, con cháu tập trung, tựu tề về từ đường bên họ nội cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi chúc Tết, mừng thọ ông bà nhà nội.

Mùng 2 Tết, con cháu tập trung, tựu tề về từ đường bên họ ngoại cúng gia tiên, viếng thăm, mừng tuổi chúc Tết, mừng thọ ông bà nhà ngoại.

Sau khi chúc Tết cha mẹ, người Việt sẽ dành ngày mùng 3 Tết để đến chúc Tết người thầy của mình.

"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư" (Một chữ là thầy, nửa chữ cũng là thầy), không chỉ bó hẹp trong phạm vi thầy giáo dạy chữ mà cả những người thầy dạy nghề, thầy dạy các bộ môn nghệ thuật... cũng được các học trò tới tri ân trong dịp Năm mới.

Qua đó nhằm nhắc nhớ con cháu, học trò đạo lý "Uống nước nhớ nguồn," "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây" của người Việt Nam.

[Xông đất đầu năm - phong tục đẹp và lâu đời của người dân Việt]

Để tỏ lòng kính trọng và biết ơn đến thầy, ngoài những lời chúc sức khỏe, người học trò khi đến thăm thầy còn mang theo những món quà Tết, là tấm lòng thơm thảo của học trò kính dâng người thầy.

Ngày xưa, lễ vật dâng kính thầy không nặng về vật chất, có khi chỉ là cơi trầu tự têm, nải chuối trong vườn, be rượu nhà nấu. Có điều kiện hơn thì dăm cân gạo nếp, con gà...

Ngày nay, quà Tết trò biếu thầy phong phú hơn, có thể là hoa quả, bánh trái hay đặc sản địa phương.

Không phân biệt tuổi tác, chức vụ, vị trí xã hội, các học trò khi tới nhà thầy chúc Tết lại trở lại nguyên vẹn như các cô cậu nhỏ khi xưa, tự phục vụ bánh kẹo, rồi ngồi quây quần tâm sự, trò chuyện ôn lại những kỷ niệm tinh nghịch thời "nhất quỷ nhì ma..."

Đây không chỉ là dịp thăm hỏi, tỏ lòng biết ơn thầy cô đã dạy dỗ mà còn là dịp để bạn bè được gặp gỡ, giao lưu vui vẻ ngày đầu năm.

Những khoảnh khắc thơ ấu không bao giờ phai nhạt trong tâm trí các cô cậu học trò. (Nguồn: Vietnam+)

Những câu chuyện, những kỷ niệm vui giữa thầy và trò được ôn lại, những kế hoạch mới cho 12 tháng tới... được bàn luận sôi nổi trong tiết Xuân ấm áp càng làm cho tình cảm giữa thầy và trò, giữa các bạn đồng môn thêm gắn bó hơn.

Ngày xưa, phương tiện liên lạc không có, nhiều học trò có khi phải vượt đường sá xa xôi đến nhà thầy chúc Tết. Ngày nay, với sự phát triển phương tiện truyền thông và mạng xã hội, sự trân quý của học trò dành cho thầy còn thể hiện qua tin nhắn, những cuộc điện thoại hay bức thiệp điện tử chúc Tết, qua mạng xã hội...

Có những người học trò ở xa, không có điều kiện về thăm thầy trong dịp Năm mới thì sẽ gọi điện chúc Tết thầy cô.

Nhiều thầy cô ngày nay cũng đã sử dụng mạng xã hội tiện lợi để cập nhật mọi thông tin thời sự cũng như kết nối với các học trò nhiều thế hệ của mình. Nhờ đó, khoảng cách địa lý giữa thầy và trò được rút ngắn.

Những bưu thiếp hình ảnh kèm những lời chúc Tết hiếu kính mà học trò gửi qua tin nhắn, qua Faccebook cũng khiến những người thầy cảm thấy ấm lòng.

Và cứ thế, "mùng 3 Tết thầy" trôi qua trong bầu không khí đầm ấm tình thầy trò và trở thành nét đẹp truyền thống không thay đổi trong tâm thức của những học trò năm xưa.

Dẫu “Tết Thầy” thời nay có nhiều thay đổi, trong tâm thức mỗi người Việt, nhớ về người thầy trong những ngày đầu Xuân vẫn luôn là truyền thống không bao giờ mai một./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục