Theo một tuyên bố đăng tải trên trang web của Bộ Tài chính Mỹ, ngày 22/3, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với 14 cá nhân và 17 thực thể có liên quan đến Tổ chức Nghiên cứu và sáng kiến phòng vệ (SPND) của Iran.
Trong danh sách trên có nhóm Shahid Karimi, phụ trách về các dự án tên lửa và chất nổ của SPND và 4 cá nhân liên quan.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nêu rõ Washington đang hành động quyết liệt nhằm vào những cá nhân và thực thể liên quan đến SPND, tổ chức đang hỗ trợ lĩnh vực quốc phòng của Iran.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ nước này sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa với Chính phủ Iran, sử dụng mọi công cụ kinh tế để ngăn Iran phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt. Bất kỳ ai định làm ăn với ngành công nghiệp quốc phòng Iran nói chung, và SPND nói riêng, sẽ bị cô lập về chuyên môn, tài chính và cá nhân.
Lệnh trừng phạt lần này nhằm vào các nhóm nhỏ của SPND, những người ủng hộ, công ty bình phong và các quan chức liên quan.
Động thái này cũng bao gồm việc đóng băng tài sản và cấm công dân Mỹ làm ăn với họ.
Trước đó, nhà lãnh đạo tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố Iran sẽ đánh bại Mỹ trong “cuộc chiến tranh kinh tế” chống Iran.
[Lãnh đạo tối cao Iran khẳng định đánh bại Mỹ trong cuộc chiến kinh tế]
Phát biểu trong chương trình truyền hình trực tiếp trên đài truyền hình IRIB nhân ngày đầu tiên của Năm Mới theo lịch Iran, ông Khamenei cho rằng Iran "phải thiết lập hàng rào kinh tế để Mỹ không thể lợi dụng các lỗ hổng kinh tế gây tổn hại cho đất nước."
Ông cũng khẳng định Iran sẽ thành công trong việc biến các lệnh cấm vận của Mỹ thành những cơ hội để giải thoát nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ.
Về lĩnh vực quốc phòng, nhà lãnh đạo tối cao Khamenei khẳng định Iran quyết tâm đẩy mạnh năng lực phòng thủ bất chấp sức ép gia tăng từ Mỹ và các đồng minh tìm cách ngăn chặn chương trình tên lửa của Tehran.
Ông nhấn mạnh: "Cần đưa Iran đến vị thế mà kẻ địch hiểu rằng không thể đe dọa Iran. Các trừng phạt của Mỹ sẽ khiến Iran đủ năng lực tự túc."
Mỹ đã tái áp đặt các biện pháp trừng phạt Iran sau khi hồi tháng 5/2018 quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) ký năm 2015 giữa Tehran và Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức).
Chịu tác động của các biện pháp này, đồng nội tệ rial của Iran mất giá, khiến lạm phát tăng cao.
Tỷ giá hối đoái của đồng rial so với USD trên một số trang giao dịch ngày 20/3 ở mức 135.000 rial/USD, giảm còn 1/3 so với thời điểm 1 năm trước đây.
Trong khi đó, Pháp, Đức và Anh vẫn tìm cách cứu vãn thỏa thuận hạt nhân nói trên thông qua việc đảm bảo lợi ích của Iran trước các biện pháp trừng phạt của Mỹ bằng một kênh giao dịch không sử dụng USD./.