Mỹ bảo vệ quyết định không gia hạn chương trình cho vay khẩn cấp

Bộ trưởng Tài chính Mnuchin cho biết ông vẫn tuân theo ý định của quốc hội trong việc từng bước loại bỏ chương trình của Fed được hoạch định nhằm giúp hệ thống tài chính Mỹ vượt qua cú sốc COVID-19.
Mỹ bảo vệ quyết định không gia hạn chương trình cho vay khẩn cấp ảnh 1Trụ sở Bộ Tài chính Mỹ tại Washington, DC. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong bối cảnh các nghị sỹ đảng Dân chủ cáo buộc chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hủy hoại nền kinh tế, ngày 20/11, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã lên tiếng bảo vệ quyết định không gia hạn một số chương trình cho vay khẩn cấp mà Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) triển khai nhằm ngăn chặn suy thoái kinh tế do dịch COVID-19 gây ra.

Trao đổi với báo giới, Bộ trưởng Mnuchin cho biết ông vẫn đang tuân theo ý định của quốc hội trong việc từng bước loại bỏ các chương trình của Fed được hoạch định nhằm giúp hệ thống tài chính Mỹ vượt qua cú sốc COVID-19, nhấn mạnh rằng các khoản tiền mà ngân hàng trung ương chưa sử dụng đến cần được tái phân bổ cho những nỗ lực chống dịch.

Theo Bộ trưởng Mnuchin, Quốc hội lưỡng viện Mỹ đã thể hiện "rất rõ" ý định về việc để các chương trình cho vay khẩn cấp hết hạn vào cuối tháng 12 tới và thị trường tài chính đã ổn định đáng kể so với tình trạng hỗn loạn vào thời điểm các chương trình này được triển khai.

Cùng ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ hoàn trả các khoản tiền chưa sử dụng được phân bổ cho các chương trình cho vay khẩn cấp.

[Bộ Tài chính Mỹ từ chối gia hạn chương trình cho vay khẩn cấp của Fed]

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Mnuchin yêu cầu Fed chấm dứt 5 chương trình cho vay khẩn cấp và hoàn lại 455 tỷ USD chưa sử dụng đã được phân bổ cho những chương trình này.

Trong thư gửi Chủ tịch Fed Powell, Bộ trưởng Mnuchin khẳng định các chương trình trên, vốn hết hạn vào ngày 31/12 tới, "rõ ràng đã đạt được các mục tiêu đề ra."

Fed sau đó đã ra tuyên bố bày tỏ thất vọng, đồng thời nhấn mạnh mong muốn tất cả các chương trình khẩn cấp được thực hiện nhằm ứng phó với đại dịch COVID-19 tiếp tục đóng vai trò quan trọng hỗ trợ nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương.

Khi đại dịch COVID-19 tấn công nước Mỹ và gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế đầu tàu thế giới, Fed đã công bố một loạt chương trình cho vay mới nhằm ngăn thị trường tài chính đóng băng do các doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn dịch bệnh lây lan.

Một số chương trình trong số đó được cấp kinh phí từ Đạo luật Cứu trợ, Hỗ trợ và An ninh kinh tế (CARES) với tổng trị giá 2.200 tỷ USD, vốn được ban hành tháng 3 nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch.

Trong số này có các chương trình hướng tới thị trường tín dụng doanh nghiệp, khoản vay cho các chính quyền thành phố cùng các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua Chương trình cho vay Main Street.

Đó là những chương trình mà Bộ trưởng Mnuchin cho biết sẽ không gia hạn và yêu cầu FED hoàn lại số tiền chưa sử dụng. Mặc dù vậy, ông vẫn phê duyệt gia hạn 90 ngày đối với 4 chương trình khác, trong đó có các chương trình liên quan đến các ngân hàng lớn cấp các khoản vay mua ô tô và thế chấp nhà, cũng như Chương trình Bảo vệ tiền lương và trợ cấp cho các doanh nghiệp nhỏ.

Đại dịch COVID-19 đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới. Hiện các điều khoản chính trong gói chi tiêu theo Đạo CARES đã hết hạn và cần một gói cứu trợ mới trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể.

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ vẫn đang bế tắc trong việc thông qua gói kích thích kinh tế mới khi đảng Dân chủ muốn số tiền cứu trợ lớn hơn mức đảng Cộng hòa sẵn sàng chi.

Trong khi đó, việc truyền thông Mỹ đưa tin ông Joe Biden của đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống vừa qua, song đương kim Tổng thống Donald Trump từ chối công nhận kết quả, càng khiến triển vọng thông qua gói kích thích kinh tế mới thêm mờ mịt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trung Quốc thông báo giảm lãi suất cho vay cơ bản

Lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm đã được giảm 0,25 điểm phần trăm, từ 3,35% xuống 3,10%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm cũng được giảm mức tương tự từ 3,85% xuống 3,6%.