Ngày 18/1, nhà chức trách Mỹ thông báo đã bắt giữ chủ sở hữu sàn giao dịch tiền điện tử Bitzlato có trụ sở tại Trung Quốc với cáo buộc rửa tiền.
Phát biểu họp báo, đại diện Bộ Tư pháp Mỹ cho biết Anatoly Legkodymov, 40 tuổi, quốc tịch Nga hiện sống ở Thâm Quyến, Trung Quốc, đã bị giữ ở thành phố Miami đêm 17/1 và sẽ ra hầu tòa trong ngày 18/1 (giờ Mỹ).
Đối tượng bị cáo buộc chuyển tiền bất hợp pháp với số tiền lên tới 700 triệu USD.
[Hàn Quốc truy tố 20 người chuyển tiền ra nước ngoài mua tiền điện tử]
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, tội phạm thường sử dụng sàn giao dịch Bitzlato để buôn bán ma túy và bán những thông tin tài chính bị đánh cắp.
Theo các tài liệu của tòa án, Legkodymov là người sáng lập và là cổ đông lớn của Bitzlato, sàn giao dịch đã niêm yết trên thị trường chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc).
Đối tác giao dịch lớn nhất của Bitzlato là Hydra, một thị trường trực tuyến ẩn danh và bất hợp pháp trên mạng lưới web đen (còn gọi là Darknet) đã bị nhà chức trách Mỹ và Đức đánh sập năm ngoái.
Hydra được biết đến là một thị trường ngầm với các giao dịch mua bán ma túy và hàng hóa bất hợp pháp như dữ liệu thẻ tín dụng bị đánh cắp, tiền giả và giấy tờ giả.
Trang web đen này ẩn danh tính của những người tham gia giao dịch bằng cách sử dụng mã hóa.
Theo cảnh sát liên bang Đức, khi bị đánh sập vào tháng 4/2022, Hydra có khoảng 17 triệu tài khoản khách hàng và hơn 19.000 tài khoản nhà cung cấp.
Luật sư Breon Peace ở quận Đông thành phố New York cho biết sàn giao dịch Bitzlato đã tiếp tay cho các hoạt động tội phạm và nhận được các khoản tiền cọc lên tới hàng trăm triệu USD.
Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Lisa Monaco nhận định việc bắt giữ chủ sở hữu sàn Bitzlato là một "đòn giáng mạnh" vào mạng lưới tội phạm tiền điện tử trên toàn cầu.
Giới chức Mỹ cho biết sau khi thông tin bắt giữ Legkodymov được công bố, nhà chức trách Pháp đã phối hợp với Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Cộng hòa Cyprus phá hủy cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của Bitzlato và tịch thu tiền điện tử.
Darknet là mạng lưới trang web chỉ truy cập được bằng phần mềm hoặc ủy quyền cụ thể, đảm bảo tính ẩn danh cho người dùng.
Các cơ quan thực thi pháp luật quốc tế đã gia tăng giám sát các mạng như vậy sau khi ghi nhận số lượng người dùng bùng nổ trong đại dịch COVID-19./.