Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo ngày 6/6 đã yêu cầu khối doanh nghiệp tư nhân nước này cảnh giác trước làn sóng tấn công mạng ngày càng gia tăng, đồng thời cho rằng mối đe dọa vẫn luôn hiện hữu và thậm chí có thể trở nên trầm trọng hơn.
Trên kênh truyền hình ABC, khi được hỏi về khả năng liệu chính quyền Mỹ có đưa ra quan điểm quyết liệt hơn về tấn công mạng, thậm chí có thể cân nhắc sử dụng hành động quân sự, bà Raimondo nhấn mạnh mọi biện pháp đều đang được thảo luận.
Bà khẳng định: "Đây là một ưu tiên hàng đầu, tất cả chúng tôi trong nội các và Hội đồng An ninh quốc gia đều tập trung vào vấn đề đó và cân nhắc về mọi hậu quả có thể.” Bà cũng cho biết Mỹ sẽ không khoan nhượng đối với bất kỳ quốc gia nào ủng hộ hoặc làm ngơ cho những kẻ thực hiện tấn công mạng.
[Mỹ: Tấn công bằng mã độc tống tiền đe dọa an ninh quốc gia]
Trong khi đó, ông Mark Warner, Chủ tịch Ủy ban tình báo của Thượng viện Mỹ, ngày 6/6 đã yêu cầu hành động minh bạch hơn (các doanh nghiệp phải báo cáo về các vụ tấn công mạng) và thiết lập các quy tắc quốc tế. Ông cũng kêu gọi thảo luận về việc các doanh nghiệp trả tiền chuộc cho tin tặc là trái pháp luật.
Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) Christopher Wray còn cho rằng mức độ nghiêm trọng của tấn công mạng có thể so sánh với cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 do Al-Qaeda thực hiện khiến gần 3.000 người thiệt mạng.
Mỹ gần đây liên tục hứng chịu các vụ tấn công mạng bằng mã độc tống tiền nhằm vào các công ty lớn, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ. Mới đây nhất, ngày 2/6, dịch vụ vận hành khai thác bến phà ở bang Massachusetts của Mỹ trở thành mục tiêu của một vụ tấn công mạng, làm gián đoạn một phần hệ thống thanh toán của dịch vụ phà, ảnh hưởng đến khả năng xử lý thẻ tín dụng và dịch vụ phà nối giữa bán đảo Cape Cod với các đảo Nantucket và Martha's Vineyard.
Trước đó vài ngày, tin tặc cũng tấn công tập đoàn chế biến thịt hàng đầu thế giới JBS SA chi nhánh tại Mỹ, ảnh hưởng đến một số máy chủ hỗ trợ các hệ thống công nghệ thông tin của tập đoàn tại các cơ sở ở Bắc Mỹ và Australia.
Đầu tháng 5, công ty Colonial Pipeline, nhà vận hành đường ống dẫn xăng dầu lớn nhất nước Mỹ, cũng đã bị tấn công mạng bằng mã độc tống tiền và buộc phải đóng một số hệ thống.
Sự cố này đã làm gián đoạn nguồn cung quy mô lớn, khiến hàng nghìn trạm xăng ở Bờ Đông nước Mỹ rơi vào cảnh khan hiếm hàng và giá xăng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017./.