Hạn hán sẽ xảy ra ngày càng thường xuyên hơn, kéo dài hơn và trầm trọng hơn ở khu vực miền Tây nước Mỹ nếu không kịp thời có các biện pháp ngăn chặn tình trạng biến đổi khí hậu.
Đây là cảnh báo của các nhà khoa học Mỹ trong nghiên cứu khoa học công bố tại hội thảo của Hiệp hội Tiến bộ Khoa học Mỹ ngày 12/2.
Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học đến từ Viện Nghiên cứu Trái Đất thuộc Đại học Columbia đã sử dụng 17 mô hình khí hậu khác nhau để phân tích các tác động có thể xảy ra do tình trạng gia tăng nhiệt độ trong phạm vi từ Mexico ở Bắc Trung Mỹ tới Mỹ và Canada ở Bắc Mỹ.
Kết quả cho thấy, tới năm 2050, những khu vực này có nguy cơ phải hứng chịu cảnh hạn hán nặng nề kéo dài ít nhất 30-35 năm, tác động nghiêm trọng tới nông nghiệp và nguồn nước, đặc biệt ở miền Tây Nam nước Mỹ.
Các nhà khoa học cảnh báo những tác động đối với hoạt động sản xuất và đời sống con người sẽ trầm trọng hơn do mật độ dân cư đông đúc và sự phụ thuộc lớn vào nguồn nước.
Trong nghiên cứu, các chuyên gia cũng cảnh báo tình trạng tiếp tục gia tăng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính- "thủ phạm" chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu- tại những khu vực trong phạm vi nghiên cứu.
Các nhà khoa học nhấn mạnh việc cắt giảm và hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch sẽ giúp giảm tác động của biến đổi khí hậu- nguyên nhân dẫn tới các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán, bão lũ...
Miền Tây nước Mỹ đang phải hứng chịu cảnh hạn hán nghiêm trọng trong 14 năm qua, tác động trực tiếp tới đời sống sinh hoạt của hơn 64 triệu người dân.
Các trận hạn hán xảy ra trong thế kỷ trước thường chỉ kéo dài khoảng 10 năm./.