Nhìn lại các cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu, Vương quốc Anh, hay Nhật Bản diễn ra trong tháng này có thể nhận thấy sự thận trọng trong các quyết định chính sách, thể hiện ở việc chính sách tiền tệ đã áp dụng trong vài tháng, thậm chí là vài năm qua, tiếp tục được thực hiện dù các nền kinh tế này đã bước vào giai đoạn phục hồi, để đảm bảo rằng sự phục hồi này là vững chắc.
Trong khi đó, chính sách tiền tệ của Mỹ bước đầu có sự điều chỉnh theo hướng thắt chặt hơn, với chương trình mua trái phiếu đang dần được thu hẹp và lãi suất có thể sớm được nâng lên, trên cơ sở là sự lạc quan vào triển vọng phục hồi đủ mạnh của nền kinh tế.
Châu Âu, Nhật Bản vẫn “án binh bất động”
Tại cuộc họp trong tháng Ba, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) một lần nữa quyết định giữ nguyên lãi suất tái cấp vốn ở mức thấp kỷ lục là 0,25%, sau lần điều chỉnh vào tháng 11/2013, và đánh giá đà phục hồi của kinh tế Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) vẫn đang tiếp tục.
Theo Chủ tịch ECB Mario Draghi, quyết định của ECB dựa trên cơ sở là một loạt các số liệu tháng Hai nhìn chung là tích cực và không có nhiều mối đe dọa làm thui chột đà phục hồi mới bắt đầu của kinh tế Eurozone. Ông nói lãi suất sẽ vẫn được giữ ở mức rất thấp ngay cả khi kinh tế khu vực phục hồi nhanh.
Bị chỉ trích về việc không tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ để ngăn chặn nguy cơ giảm phát tại khu vực 18 nước sử dụng đồng euro, ECB đã lên tiếng bảo vệ quyết định giữ nguyên lãi suất, nhấn mạnh ECB có "đánh giá rõ ràng" về tình hình hiện nay cũng như sẵn sàng hành động khi cần.
Nhà kinh tế chủ chốt của ECB, Peter Praet, khẳng định hiện còn quá sớm để nói rằng ECB đánh giá thấp nguy cơ giảm phát. Ông Praet cũng nhấn mạnh rằng các thị trường tài chính nên tránh bị chi phối bởi hiện tượng trước mắt và đòi hỏi ECB hành động trước mỗi diễn biến mới.
Theo các số liệu từ Cơ quan Thống kê Liên minh châu Âu (Eurostat), kinh tế Eurozone tăng trưởng 0,3% trong quý IV/2013, một con số đáng khích lệ so với mức tăng trưởng chỉ là 0,1% trong quý trước đó. Và trong tháng trước, chỉ số quản lý sức mua cuối cùng của Markit cho cả lĩnh vực chế tạo và dịch vụ ở Eurozone tăng lên 53,3 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 6/2011.
Trong khi đó, hầu hết các số liệu kinh tế được công bố gần đây cho thấy rủi ro giảm phát vẫn đang được kiểm soát. Theo số liệu sơ bộ của Eurostat, tỷ lệ lạm phát ở Eurozone trong tháng Hai là 0,8%, vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 2%. Tuy nhiên, ông Draghi nói các dự báo lạm phát trong trung và dài hạn sẽ bám sát mục tiêu này.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) cũng có quyết định tương tự là duy trì lãi suất ở mức thấp kỷ lục 0,5% và tiếp tục chương trình nới lỏng định lượng ở mức 375 tỷ bảng (627 tỷ USD), 5 năm sau khi chi phí vay mượn được hạ xuống mức này và chính sách kích thích được khởi động.
Thống đốc BoE, Mark Carney, cho biết lãi suất sẽ chưa được nâng lên cho đến khi tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống ít nhất là 7% và lạm phát được giữ ở gần mức mục tiêu 2%. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm xuống chỉ trên mức 7% một chút, song lạm phát tháng 1/2014 là 1,9%, thấp nhất trong hơn 2 năm.
Tại cuộc họp diễn ra hồi đầu tháng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) tiếp tục thực chính sách tiền tệ siêu nới lỏng hiện hành, đồng thời nhận định nền kinh tế đang tiếp tục phục hồi vừa phải trong lúc căn bệnh giảm phát từng bước được đẩy lùi.
Các nhà hoạch định chính sách của BoJ đã thống nhất sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ nới lỏng đã để tăng cơ sở tiền tệ thông qua việc mua trái phiếu chính phủ và các tài sản tài chính khác, nhằm thúc đẩy tăng trưởng. BoJ cho biết sẽ vẫn thực hiện chính sách này cho đến khi lạm phát tăng lên mức mục tiêu 2%, nhưng cũng sẽ theo dõi các hoạt động của nền kinh tế cũng như diễn biến giá cả để có những điều chỉnh thích hợp.
Tại cuộc họp, BoJ không điều chỉnh đánh giá về tình hình nền kinh tế trong tháng thứ 6 liên tiếp. Theo đánh giá của BoJ, kinh tế Nhật Bản vẫn đang phục hồi vừa phải, nhu cầu đang tăng trong thời điểm trước khi thuế tiêu dùng được nâng lên từ ngày 1/4 tới, đầu tư cố định của các doanh nghiệp rõ ràng là khá hơn trong điều kiện lợi nhuận khả quan hơn và đầu tư cho nhà ở cũng tiếp tục tăng, trong khi chi tiêu tiêu dùng ổn định.
BoJ cũng nhận định nền kinh tế đang từng bước tiến tới mục tiêu về lạm phát, mặc dù có những yếu tố bất lợi như thuế tiêu dùng tăng, những căng thẳng đang tiếp diễn liên quan đến Ukraine ( và tăng trưởng chậm hơn ở các nền kinh tế mới nổi. Theo BoJ, nếu loại trừ tác động của việc tăng thuế tiêu dùng, lạm phát sẽ tăng lên 1,9% trong tài khóa tới (bắt đầu từ tháng 4/2015).
Mỹ “rục rịch” điều chỉnh
Tại cuộc họp chính sách diễn ra trong tháng này, cuộc họp đầu tiên dưới sự chủ trì của tân Chủ tịch Janet Yellen, Ủy ban thị trường mở (FOMC) thuộc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng trung ương nước này) quyết định tiếp tục giảm quy mô chương trình mua trái phiếu thêm 10 tỷ USD mỗi tháng.
Quyết định này là tiếp theo hai lần cắt giảm với một lượng tương tự mỗi tháng trong hai tháng đầu năm 2014, đưa quy mô của chương trình mua tài sản của Fed để kích thích kinh tế từ mức ban đầu là 85 tỷ USD xuống chỉ còn 55 tỷ USD. Cơ sở cho quyết định này là kinh tế Mỹ đang trên đà tăng trưởng tích cực và đủ mạnh để hỗ trợ sự cải thiện trên thị trường lao động.
Tại cuộc họp, các quan chức Fed cũng nhất trí duy trì lãi suất ở mức thấp xấp xỉ 0% chừng nào lạm phát vẫn thấp và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao. Mặc dù nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trên đà hồi phục khả quan, FOMC vẫn nhắc lại quan điểm rằng lãi suất sẽ vẫn không thay đổi cho đến năm 2015, dù thị trường đồn đoán Fed sẽ tăng lãi suất sớm hơn.
Đáng chú ý là việc FOMC từ bỏ ngưỡng 6,5% đối với tỷ lệ thất nghiệp, mốc mà trước đó đã được lấy làm căn cứ cho việc tăng lãi suất, bởi cho rằng không thể chỉ dựa vào tỷ lệ thất nghiệp để đánh giá tình hình nền kinh tế mà còn phải xem xét thêm nhiều dấu hiệu khác.
Tại cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi đảm đương vai trò Chủ tịch Fed, bà Janet Yellen đã giải đáp mối băn khoăn của các nhà đầu tư là khi nào Fed sẽ tăng lãi suất ngắn hạn từ mức thấp kỷ lục hiện nay.
Bà Yellen nhấn mạnh rằng, với thị trường việc làm vẫn yếu, Fed dự định sẽ duy trì mức lãi suất gần 0% trong một thời gian khá dài và lãi suất sẽ chỉ tăng từng bước. Tuy nhiên, bà cho biết Fed có thể sẽ chấm dứt chương trình mua trái phiếu vào mùa Thu này và tăng lãi suất khoảng 6 tháng sau đó. Một lộ trình tiến tới việc tăng lãi suất như vậy là ngắn hơn so với nhận định của một số nhà đầu tư và điều này khiến cả trái phiếu và chứng khoán Mỹ xuống giá.
Bà Yellen cũng khẳng định Fed sẽ không chỉ căn cứ vào tỷ lệ thất nghiệp cho quyết định tăng lãi suất bởi chỉ số này không cho một cái nhìn xác đáng về tình hình thị trường việc làm và nền kinh tế.
Một ví dụ là tỷ lệ thất nghiệp trong những tháng gần đây giảm không phải bởi nhiều việc làm mới được tạo ra mà do nhiều người thôi không tìm kiếm việc làm. Fed sẽ dựa vào một loạt các số liệu kinh tế để quyết định thời điểm tăng lãi suất như tình hình thị trường việc làm, các dấu hiệu về sức ép lạm phát và các dự báo về lạm phát cũng như diễn biến trên các thị trường tài chính.
Trong một tuyên bố, Fed nhấn mạnh chính sách tiền tệ nới lỏng có thể sẽ được duy trì cho đến cả sau khi đạt mục tiêu về thất nghiệp và lạm phát. Lý do mà bà Yellen và các quan chức Fed dẫn ra là khủng hoảng tài chính vẫn còn để lại những tác động.
Theo quan điểm của Fed, việc giữ lãi suất ở mức thấp sẽ vẫn hợp lý nếu tỷ lệ thất nghiệp ở mức trên 6,5%, lạm phát trong vòng 1-2 năm tới được dự báo sẽ không vượt quá 0,5 điểm phần trăm so với mục tiêu 2% và các nhận định về lạm phát trong dài hạn hơn tiếp tục được kiểm soát tốt.
Nói về thời điểm tăng lãi suất, trong một bài phân tích, Peter Morici, nhà kinh tế và là giáo sư Trường Kinh doanh Smith của Đại học Maryland, Mỹ, cho là Fed nên chờ đến khi tỷ lệ có việc làm trong những người trưởng thành tăng mạnh, khi tỷ lệ những người này có việc làm chỉ ở mức 76,5%, giảm từ 80,3% ở thời điểm kinh tế bắt đầu suy thoái; thị trường nhà đất mạnh hơn, bởi giá nhà đất đã phục hồi 42% các khoản lỗ phát sinh trong thời kỳ suy thoái, nhưng tốc độ tăng giá đang chậm lại và lượng nhà mới vẫn còn ít hơn một nửa mức đỉnh cao trước khủng hoảng; lĩnh vực chế tạo được cải thiện hơn nữa, bởi lĩnh vực này đã bị mất 2,3 triệu việc làm trong cuộc Đại suy thoái và đã phục hồi trở lại chỉ với khoảng 600.000 việc làm.
Fed đã duy trì lãi suất cơ bản ở mức thấp kỷ lục 0-0,25% từ tháng 12/2008 và bơm tổng cộng trên 3.000 tỷ USD vào nền kinh tế thông qua chương trình mua trái phiếu dài hạn nhằm duy trì lãi suất thấp, khuyến khích đầu tư và thuê nhân công, đưa nền kinh tế thoát khỏi suy giảm và phục hồi tăng trưởng.
Hồi tháng Hai vừa qua, Nhà Trắng đã công bố báo cáo gửi Quốc hội Mỹ tổng kết tình hình kinh tế đất nước sau 5 năm thực thi Luật Phục hồi được Tổng thống Barack Obama ký năm 2009.
Theo đó, kể từ đầu năm 2010, kinh tế Mỹ đã tăng trưởng liên tục trong 11 quý và tạo được 8,5 triệu việc làm mới./.