Mỹ chính thức chấm dứt miễn trừ trừng phạt nhập khẩu dầu Iran

Ngày 2/5, Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran.
Cơ sở lọc dầu tại Đảo Khark của Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/5, Mỹ đã chính thức chấm dứt việc miễn trừ trừng phạt đối với 8 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu dầu thô từ Iran. Theo đó, Hàn Quốc đã chính thức ngừng nhập khẩu dầu thô từ Iran bắt đầu từ 13 giờ cùng ngày theo giờ địa phương (11 giờ - theo giờ Hà Nội).

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chính phủ Hàn Quốc đã nỗ lực đàm phán với Mỹ để được gia hạn miễn trừ trừng phạt, song Washington vẫn giữ nguyên lập trường.

Dầu thô mà Hàn Quốc nhập chủ yếu từ Iran không phải là loại dầu thô thông thường, mà là “khí ngưng tụ,” được sử dụng làm nguyên liệu sản xuất các chế phẩm hóa dầu.

[Mỹ-Iran và “trò chơi chiến tranh tâm lý” ở Trung Đông]

Khí ngưng tụ của Iran được đánh giá có chất lượng ưu việt, giá thành rẻ hơn tối đa 6 USD/thùng so với khí ngưng tụ của các nước khác. Sản phẩm này của Iran chiếm một nửa tổng lượng khí ngưng tụ được sử dụng tại Hàn Quốc. Giới doanh nghiệp hóa dầu Hàn Quốc nhận định giá nguyên liệu sẽ gia tăng do các doanh nghiệp phải tìm nguồn nhập khẩu thay thế.

Tháng 11 năm ngoái, Mỹ tái áp đặt trừng phạt đối với xuất khẩu dầu thô của Iran sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Iran và 6 cường quốc thế giới.

Tuy nhiên, Washington áp dụng miễn trừ, theo đó 8 nước và vùng lãnh thổ tiếp tục được mua dầu thô của Iran trong 6 tháng tiếp theo với số lượng hạn chế mà không phải đối mặt với các biện pháp trừng phạt của Mỹ. Danh sách này bao gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hy Lạp.

Ngày 22/4 vừa qua, Tổng thống Trump quyết định chấm dứt miễn trừ trừng phạt đối với tất cả 8 nước và vùng lãnh thổ trên.

Quyết định này đã khiến giá dầu mỏ lên tới mức cao nhất kể từ tháng 11/2018, trong bối cảnh các nhà nhập khẩu chịu sức ép phải dừng mua dầu của Iran và nguồn cung toàn cầu bị thắt chặt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục