Người Mỹ dự kiến sẽ mua sắm trực tuyến nhiều hơn trong dịp lễ 2020 so với bất kỳ năm nào trước đó, do tình trạng phong tỏa và nguy cơ mắc bệnh cao trước diễn biến phức tạp của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Các chuyên gia cho biết, xu hướng này có thể sẽ ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Mỹ trong nhiều năm tới.
Công ty thương mại điện tử Amazon đã trì hoãn sự kiện khuyến mại Prime Day hàng năm cho đến đầu tuần này, trùng với kỳ nghỉ lễ. Trong khi đó, hãng bán lẻ điện tử tiêu dùng Best Buy đã bắt đầu tiến hành sự kiện khuyến mại Black Friday trong tuần này, sớm hơn một tháng so với thường lệ.
Các cửa hàng bán lẻ cũng đang triển khai các đợt khuyến mại khi cố gắng bù đắp cho sự sụt giảm doanh số tại các địa điểm kinh doanh truyền thống, do các lệnh phong tỏa mà chính phủ áp dụng nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan.
Hoạt động vận chuyển hàng hóa cũng sẽ “bận rộn” hơn nhiều so với giai đoạn trước đây. Amazon cho biết đang tuyển thêm 100.000 nhân viên mới nhằm kịp thời đáp ứng sự gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa liên quan tới hoạt động mua sắm trực tuyến trong dịp lễ này.
[Lĩnh vực bán lẻ châu Âu chật vật vượt qua đại dịch COVID-19]
Theo hãng tin CNBC, FedEx đang tăng 27% số lao động so với năm ngoái lên tới 70.000 người, trong một nỗ lực nhằm đáp ứng sự gia tăng mạnh của hoạt động thương mại điện tử.
Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Affirm cho thấy 70% số người được hỏi cho biết, nhiều khả năng họ sẽ mua một mặt hàng đang được giảm giá ngay bây giờ, thay vì chờ tới đợt giảm giá gần với kỳ nghỉ lễ.
Tuy vậy, ông Marshal Cohen, người phụ trách lĩnh vực bán lẻ tại NPD, hy vọng mùa mua sắm vào kỳ nghỉ lễ năm nay "sẽ không quá ảm đạm.”
Diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 và cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ làm “phân tâm” người tiêu dùng Mỹ song các sản phẩm không có doanh số cao hồi đầu năm 2020 như quần áo thời trang và phụ kiện, có thể giúp mùa mua sắm trong dịp nghỉ lễ năm nay “sôi động” hơn.
Trong khi đó, các chuyên gia quan ngại rằng mặc dù việc người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang mua sắm trực tuyến có thể mang lại nhiều lợi ích cho các công ty công nghệ và thị trường chứng khoán, song sẽ tác động tiêu cực đến hàng triệu lao động làm việc trong lĩnh vực bán lẻ truyền thống.
Hồi tháng 6/2020, thời gian đỉnh điểm của tình trạng các cửa hàng và doanh nghiệp đóng cửa ở nhiều bang của Mỹ, gần hai triệu lao động trong ngành bán lẻ đã bị sa thải hoặc chuyển công việc mới như hỗ trợ xe bán hàng ở lề đường.
Theo Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ, ngành bán lẻ đã hỗ trợ hơn 25% số việc làm của Mỹ trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.
Các nhà bán lẻ có thể tiếp tục sa thải lao động khi chi phí vệ sinh khử trùng cửa hàng tăng trong lúc các cửa hàng gặp khó khăn trong việc trả lương cho nhân viên khi chính phủ áp đặt các hạn chế về không gian phục vụ khách hàng nhằm để hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19.
Các chuyên gia cho biết, tình hình trên có thể có tác động đến ngành ngành bán lẻ trong nhiều năm tới. Bên cạnh việc gây ra suy thoái kinh tế nghiêm trọng và tỷ lệ thất nghiệp cao thì dịch COVID-19 cũng có khả năng thúc đẩy các xu hướng đã và đang diễn ra, chẳng hạn như việc chuyển sang nền kinh tế kỹ thuật số.
Theo chuyên gia Desmond Lachman của American Enterprise Institute, điều này rất có thể làm tăng tỷ lệ thất nghiệp dài hạn trong lĩnh vực bán lẻ và có tác động tiêu cực tới lĩnh vực bất động sản thương mại./.