Mỹ đề xuất đàm phán với Nga về kiểm soát vũ khí vào tuần tới

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson cho biết các cuộc đàm phán sẽ bao gồm cả những bất đồng xoay quanh Hiệp ước INF.
Mỹ đề xuất đàm phán với Nga về kiểm soát vũ khí vào tuần tới ảnh 1Hệ thống Iskander-K có khả năng phóng tên lửa 9M729, loại vũ khí tối tân khiến Mỹ luôn cáo buộc Nga vi phạm Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF). (Ảnh: Sputnik/TTXVN)

Ngày 24/1, một quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định nước này đã đề xuất tổ chức các cuộc đàm phán với Nga về vấn đề kiểm soát vũ khí bên lề cuộc họp của Liên hợp quốc tại Bắc Kinh vào tuần tới.

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách vấn đề kiểm soát vũ khí và an ninh quốc tế Andrea Thompson cho biết các cuộc đàm phán sẽ bao gồm cả những bất đồng xoay quanh Hiệp ước Các Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Quan chức này khẳng định Mỹ chuyển đề xuất tới Nga về việc triển khai kiểm tra tầm bắn của loại tên lửa kể trên nhưng Nga không ủng hộ kế hoạch này. Bà nhấn mạnh nếu Nga không trở lại tuân thủ hiệp ước thì Mỹ sẽ thực hiện lời tuyên bố hoãn thực thi hiệp ước vào hạn chót là ngày 2/2.

[Nga: Mỹ phát triển năng lực chế tạo tên lửa tầm trung, tầm ngắn hơn]

INF được lãnh đạo Mỹ và Liên Xô trước đây ký ngày 8/12/1987 và chính thức có hiệu lực từ ngày 1/6/1988. Theo INF, hai bên cam kết không sản xuất, thử nghiệm, triển khai các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình trên mặt đất tầm trung và tầm ngắn (từ 500-5.500km).

Tháng 10/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Nga vi phạm hiệp ước khi chế tạo tên lửa “Novator 9M729."

Đến tháng 12/2018, Mỹ tuyên bố sẽ rút khỏi hiệp ước định này, nếu Nga không tuân thủ trở lại thỏa thuận này trong vòng 60 ngày. Tuy nhiên, Moskva khẳng định loại tên lửa kể trên không vi phạm INF đồng thời cáo buộc Mỹ dựng cớ để rút khỏi hiệp ước để có thể tự do phát triển những loại tên lửa mới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Mỹ rút khỏi INF sẽ đe dọa số phận của Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START-3), văn kiện cuối cùng trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí. Nhiều nước đồng minh của Mỹ ở châu Âu cũng phản đối việc Mỹ rút khỏi INF do lo ngại về một cuộc chạy đua vũ trang mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.