Trong nhiều tháng qua, một cơ sở tái chế rác thải chủ chốt của vùng đô thị Baltimore-Washington của Mỹ đang đối mặt với vấn đề nan giải sau khi Trung Quốc hồi năm 2017 thông báo ngừng nhập khẩu rác thải.
Tại nhà máy Elkridge, bang Maryland, cách thủ đô Washington khoảng 1 giờ lái xe, 900 tấn rác thải liên tục đổ lên băng chuyền cả ngày và đêm.
Hàng chục công nhân đeo khẩu trang và găng tay nhanh chóng phân loại các chất gây ô nhiễm từ vô số rác thải. Sản phẩm cuối mỗi dây chuyền phân loại là các kiện lớn chứa đủ loại rác gồm giấy, bìa cứng hoặc nhựa.
Công ty Quản lý chất thải, vận hành nhà máy trên, cho biết phải giảm tốc độ của băng chuyền, đồng thời thuê thêm nhân công mới kịp xử lý rác thải. Công ty này đang tìm cách bán những chai nhựa cho một khách hàng tại Nam Carolina và vận chuyển bìa cứng ra nước ngoài.
[Kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ môi trường biển]
Trong hàng chục năm, nhiều doanh nghiệp, trong đó đa số có trụ sở tại Trung Quốc, đã mua toàn bộ rác thải trên, sau đó làm sạch, nghiền nát và biến rác thải thành nguyên liệu thô cho các nhà máy công nghiệp. Năm ngoái, Trung Quốc nhập khẩu hơn 50% phế liệu từ Mỹ.
Tuy nhiên, theo chính sách mới về môi trường do Bắc Kinh thúc đẩy, Trung Quốc đã “đóng cửa” đối với đa số chất thải nhựa và giấy kể từ tháng 1/2018 do nước này không muốn là “bãi rác của thế giới.” Đối với các loại rác thải như kim loại và bìa cứng, Trung Quốc đặt ra mức ô nhiễm 0,5% - một ngưỡng quá thấp đối với hầu hết công nghệ xử lý hiện nay của Mỹ.
Các nhà quản lý chất thải Mỹ cho rằng dự kiến đến năm 2020, Trung Quốc sẽ "từ chối" toàn bộ vật liệu tái chế.
Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Science Advances, kể từ năm 1992, 72% rác thải nhựa trên thế giới được xử lý tại Khu Hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) và Trung Quốc đại lục./.