Hãng tin Reuters ngày 13/9 đưa tin Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đang triển khai một nỗ lực ngoại giao chung để thúc đẩy các quốc gia cam kết cắt giảm gần 1/3 lượng khí thải methane trong thập kỷ tới, trước khi hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc COP26 diễn ra vào tháng 11/2021.
Khí thải methane gây hiệu ứng nhà kính và là nguyên nhân lớn thứ hai chỉ sau CO2 gây ra tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu.
Chính phủ các nước đang tìm cách tăng cường giám sát loại khí thải này, khi họ tìm kiếm các giải pháp để hạn chế mức nóng lên toàn cầu ở 1,5 độ - một mục tiêu của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.
[Khí hydro xanh "gây hiệu ứng nhà kính nhiều hơn than đá"]
Trong một nỗ lực để bắt đầu hành động, Mỹ và EU vào cuối tuần này sẽ đưa ra cam kết chung nhằm giảm ít nhất 30% lượng khí thải methane do con người thải ra vào năm 2030 so với mức năm 2020. Đây là một mục tiêu trong dự thảo của Cam kết về Khí methane Toàn cầu mà Reuters viện dẫn.
Dự thảo cho hay, khí methane có thời gian tồn tại trong khí quyển khá ngắn. Điều này đồng nghĩa là nếu các nước hành động ngay bây giờ có thể giảm nhanh tốc độ ấm lên của Trái Đất.
Một tài liệu riêng khác liệt kê hơn hai chục quốc gia mà Mỹ và EU sẽ nhắm mục tiêu thuyết phục tham gia cam kết về khí methane.
Danh sách này bao gồm các nhà phát thải lớn như Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Brazil và Saudi Arabia, bên cạnh những quốc gia khác bao gồm Na Uy, Qatar, Anh, New Zealand và Nam Phi.
Bộ Ngoại giao Mỹ và Ủy ban Châu Âu chưa đưa ra bình luận nào về các tài liệu này./.