Mỹ hỗ trợ huấn luyện phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F16

Giới chức Mỹ ước tính khoảng thời gian ngắn nhất cần để huấn luyện các phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ thế hệ 4, trong đó có những chiếc tiêm kích F-16, là 18 tháng.
Mỹ hỗ trợ huấn luyện phi công Ukraine sử dụng tiêm kích F16 ảnh 1Tiêm kích F-16 của Mỹ. (Ảnh: USAF)

Một quan chức cấp cao của Nhà Trắng ngày 19/5 xác nhận Tổng thống Joe Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) về việc Washington ủng hộ kế hoạch đào tạo phi công Ukraine sử dụng các loại chiến đấu cơ tiên tiến, trong đó có những chiếc tiêm kích F-16.

Theo quan chức Nhà Trắng, tại cuộc thảo luận của các nhà lãnh đạo G7 trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh đang diễn ra ở thành phố Hiroshima (Nhật Bản), Tổng thống Biden khẳng định Mỹ “sẽ hỗ trợ nỗ lực chung với các đồng minh và đối tác nhằm đào tạo các phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ thế hệ 4, trong đó có F-16, để tiếp tục củng cố và cải thiện năng lực của Không quân Ukraine."

[Nhật Bản, Mỹ nhất trí tiếp tục trừng phạt Nga và hỗ trợ Ukraine]

Quan chức Nhà Trắng chia sẻ: “Khi chương trình huấn luyện diễn ra trong những tháng tới, liên minh các quốc gia của chúng tôi tham gia nỗ lực này sẽ ấn định thời điểm cung cấp máy bay, số lượng chuyển giao và ai sẽ là bên cung cấp," song không nêu đích danh nước nào sẽ tham gia nỗ lực vừa đề cập.

Dự kiến, chương trình huấn luyện sẽ được tiến hành tại châu Âu và cần nhiều tháng để hoàn thành. Giới chức Mỹ ước tính khoảng thời gian ngắn nhất cần để huấn luyện sử dụng và chuyển giao F-16 là 18 tháng.

Trước đó trong tuần, Thủ tướng Anh Rishi Sunak và người đồng cấp Hà Lan Mark Rutte đã cam kết thành lập “liên minh quốc tế” để ủng hộ chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine.

Hôm 15/5, ông Sunak tuyên bố Anh đang chuẩn bị mở trường huấn luyện bay để đào tạo các phi công Ukraine. Bên cạnh đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng đưa ra đề nghị tương tự, song loại trừ khả năng cung cấp chiến đấu cơ cho Ukraine.

Đây là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo G7 được lắng nghe quan điểm của Tổng thống Mỹ ủng hộ kế hoạch đào tạo các phi công Ukraine sử dụng chiến đấu cơ F-16.

Trước đó, hôm 31/1, ông Biden tuyên bố không chấp thuận đề nghị hỗ trợ Ukraine chiến đấu cơ F-16.

Giới chức Nga nhiều lần tuyên bố việc Mỹ và phương Tây tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine sẽ khiến cuộc xung đột càng kéo dài, đồng thời các loại vũ khí này sẽ trở thành “những mục tiêu quân sự hợp pháp” của Moskva./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.