Theo phóng viên TTXVN tại Washington, ngày 25/8, Nhà Trắng đã yêu cầu nhóm Big Tech - gồm các công ty hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ - tăng cường hành động để ngăn chặn những mối đe dọa an ninh mạng ngày càng tăng đối với nền kinh tế Mỹ.
Đây là nội dung chính trong cuộc gặp tại Nhà Trắng giữa nhóm các công ty công nghệ cùng Tổng thống Mỹ Joe Biden và các quan chức chính phủ.
Tổng thống Biden khẳng định chỉ riêng chính phủ sẽ không thể đối phó với mối đe dọa này đồng thời cho rằng có rất nhiều việc cần làm để tháo gỡ vấn đề.
An ninh mạng thời gian qua đã nổi lên là một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu trong chương trình nghị sự của chính quyền Tổng thống Biden sau hàng loạt vụ tấn công mạng nhằm vào hãng quản trị mạng SolarWinds, công ty xăng dầu Colonial Pipeline, công ty chế biến thịt JBS và hãng phần mềm Kaseya.
Những vụ tấn công không chỉ gây tổn hại cho các công ty mà còn tác động tới các hoạt động cung cấp các mặt hàng thiết yếu như thịt và nhiên liệu.
[Ba ông lớn công nghệ hợp tác với chính phủ Mỹ bảo đảm an ninh mạng]
Phát biểu với báo giới trước cuộc họp, một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden nhấn mạnh an ninh mạng là một vấn đề quan trọng của an ninh quốc gia.
Các khu vực nhà nước và tư nhân cần phải sát cánh cùng nhau trong bối cảnh hiện nay. Quốc hội Mỹ cũng đang xem xét xây dựng luật về rò rỉ dữ liệu và quy định quản lý ngành bảo hiểm an ninh mạng.
Danh sách các khách mời trong cuộc gặp này có Giám đốc điều hành (CEO) của Amazon.com Andy Jassy, CEO Satya Nadella của Microsoft, CEO Tim Cook của Apple, CEO Sundar Pichai của Alphabet (công ty chủ quản của Google), CEO Arvind Krishna của IBM.
Các quan chức an ninh mạng hàng đầu của Chính phủ Mỹ tham dự cuộc gặp mặt có Giám đốc An ninh mạng quốc gia Chris Inglis và Bộ trưởng An ninh nội địa Mỹ Alejandro Mayorkas.
Sau cuộc họp, Amazon cho biết sẽ triển khai các chương trình huấn luyện về an ninh mạng miễn phí cho cộng đồng và tăng cường công cụ bảo mật cho các khách hàng sử dụng dịch vụ điện toán đám mây.
Cả 2 sáng kiến này đều sẽ được triển khai từ tháng 10, giúp bảo vệ các tổ chức và cá nhân trước nguy cơ an ninh mạng.
Trong khi đó, Microsoft thông báo sẽ đầu tư 20 tỷ USD trong 5 năm tới, tăng gấp 4 lần so với hiện tại, để củng cố an ninh mạng, và dành riêng một khoản 150 triệu USD cho các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật cho chính quyền liên bang, các bang và địa phương đảm bảo hệ thống an ninh mạng được cập nhật.
IBM thông báo sẽ đào tạo các kỹ năng an ninh mạng cho hơn 150.000 người trong 3 năm tới và hợp tác với các trường cao đẳng, đại học dành cho người da màu để đa dạng hóa nguồn nhân lực trong lĩnh vực. Công ty cũng đang phát triển một công nghệ lưu trữ dữ liệu mới giúp các công ty bị tấn công mạng phục hồi nhanh hơn./.