Ủy ban Tư pháp Hạ viện Mỹ ngày 23/6 sẽ có bước đi đầu tiên hướng đến việc quản lý các tập đoàn công nghệ lớn, với việc tổ chức bỏ phiếu đối với năm dự thảo luật có khả năng sẽ tác động lớn đến các nền tảng trực tuyến lớn và người dùng các nền tảng này.
Động thái này mở đường để toàn bộ Hạ viện tiến hành xem xét các dự thảo trên trong vài tuần tới.
Nếu được thông qua, năm dự thảo này có thể khiến các “ông lớn” công nghệ như Google, Facebook, Apple và Amazon phải tái tổ chức hay chia tách, đồng thời làm thay đổi toàn bộ hệ sinh thái Internet.
Các dự thảo luật trên sẽ cấm các tập đoàn công nghệ lớn vận hành một nền tảng cho các bên thứ ba trong khi cũng đang cung cấp những dịch vụ cạnh tranh trên những nền tảng này.
Các nhà hoạch định chính sách còn muốn cấm các công ty công nghệ ưu tiên sản phẩm và dịch vụ của mình. Bên cạnh đó, các tập đoàn công nghệ lớn nhất cũng không được phép “thâu tóm” các đối thủ cạnh tranh.
[Nghị sỹ Mỹ đề xuất cải tổ chống độc quyền kiểm soát đại gia công nghệ]
Ngoài ra, các quy định cho phép người dùng dễ dàng hơn trong việc từ bỏ một nền tảng để chuyển sang một nền tảng khác mà vẫn giữ được thông tin và các liên hệ của mình cũng là một nội dung trong gói dự thảo nói trên.
Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Hạ viện Jerrold Nadler cho rằng các dự thảo luật trên “mở đường cho một nền kinh tế mạnh mẽ hơn bằng cách kiềm chế sức mạnh của các công ty công nghệ nổi trội nhất.”
Tuy nhiên, những người phản đối các dự luật này lại cho rằng chúng có thể làm giảm chất lượng của những dịch vụ mà người dân đang sử dụng nhiều, khi chúng có thể buộc Apple gỡ ứng dụng nhắn tin khỏi điện thoại iPhone, hay khiến Google ngừng hiển thị các kế quả tìm kiếm từ YouTube hay Maps.
Phó Chủ tịch Amazon Brian Huseman cảnh báo các dự thảo luật trên sẽ có tác động tiêu cực lớn đến cả người bán và người mua trên nền tảng thương mại điện tử này và làm giảm sự cạnh tranh về giá.
Gói dự thảo luật trên được đưa ra trong bối cảnh có nhiều dấu hiệu cho thấy Washington đang ngày càng cứng rắn hơn với các công ty công nghệ lớn, trong đó có việc Tổng thống Joe Biden đề cử bà Lina Khan, người công khai ủng hộ việc chia tách các tập đoàn công nghệ lớn, cho vị trí đứng đầu Ủy ban Thương mại Liên bang, cơ quan chịu trách nhiệm chống độc quyền./.