Mỹ-Italy thảo luận vai trò của mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Quan hệ Mỹ và Italy đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương; tổ chức hoạt động hỗ trợ cho tiến triển tại Libya, và giải quyết các mối đe dọa chung ở Địa Trung Hải.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 27/6, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang ở thăm Italy trong khuôn khổ chuyến công du châu Âu, đồng chủ trì Hội nghị liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Matera, Italy.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, chia sẻ trên Twitter, Ngoại trưởng Mỹ Blinken khẳng định: “Rất vui khi có mặt tại Italy để nhấn mạnh tầm quan trọng của sự thống nhất xuyên Đại Tây Dương và mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và Italy.”

Trong khi đó, Đại sứ quán Mỹ tại Rome cũng nhấn mạnh: “Quan hệ Mỹ và Italy đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh xuyên Đại Tây Dương, cũng như việc tổ chức hoạt động hỗ trợ cho tiến triển tại Libya, và giải quyết các mối đe dọa chung ở Địa Trung Hải và trên thế giới.”

[Israel cam kết sửa chữa ''những sai lầm'' trong quan hệ với Mỹ]

Về phía Italy, Ngoại trưởng Luigi Di Maio cho biết: “Trong cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Blinken, chúng tôi đã bắt đầu đưa ra những điểm chính cần giải quyết vào ngày mai” tại Hội nghị liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, lần đầu tiên được tổ chức tại Italy.

Ông Di Maio cho rằng trọng tâm là cuộc chiến chống khủng bố, và điều cần thiết để ngăn chặn các cuộc tấn công và nhập cư bất hợp pháp.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Italy, Ngoại trưởng Blinken sẽ có cuộc gặp với Ngoại trưởng Israel, Yair Lapid và tiếp kiến Giáo hoàng Francis. Sau Hội nghị liên minh chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, do Italy và Mỹ đồng chủ trì vào ngày 28/6, Ngoại trưởng Blinken sẽ tham dự Hội nghị Ngoại trưởng G20 vào ngày 29/6.

Trên cương vị chủ tịch G20, chương trình nghị sự của Italy dựa trên 3 trụ cột hành động: “con người, hành tinh và thịnh vượng.” Do đó, việc phản ứng quốc tế với đại dịch, phục hồi nhanh chóng nền kinh tế thế giới dựa trên nhu cầu của người dân, những người dễ bị tổn thương nhất, và phát triển bền vững để bảo vệ sự ổn định khí hậu, là những mục tiêu mà Rome hướng tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.