Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong phát biểu trước Ủy ban Chuẩn chi của Hạ viện Mỹ ngày 10/6 nói rằng việc giảm nợ cho các nước nghèo và đang phát triển sẽ gặp trở ngại nếu không được cấp thêm ngân sách, trong khi cam kết đóng góp của Mỹ cho Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) các thiết chế tài chính khác hiện ở mức 2,7 tỷ USD sẽ tăng lên.
Bà Yellen nói Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) dành cho các nước nghèo và Cơ chế chung về tái cơ cấu nợ đều cần được Quốc hội phê chuẩn ngân sách.
Nếu không được cấp thêm ngân sách, Mỹ có thể buộc phải hoãn thực hiện Cơ chế chung về tái cơ cấu nợ và áp dụng lãi suất cao hơn nhiều khi hoãn trả lãi của các khoản vay theo DSSI.
[Fed sẽ thông báo kế hoạch giảm quy mô chương trình mua trái phiếu]
Theo bà Yellen, ngân sách mà Bộ Tài chính cần trong tài khóa 2022 bao gồm khoản chi cho các sáng kiến trên cũng như cam kết đóng góp cho các thiết chế tài chính quốc tế như quỹ hỗ trợ các nước nghèo nhất của Hiệp hội Phát triển Quốc tế thuộc WB.
Bà Yellen nói kế hoạch ngân sách của bộ cũng bao gồm khoản đóng góp lần đầu tiên của Mỹ cho Quỹ tín thác tăng trưởng và xóa đói giảm nghèo của IMF, quỹ hỗ trợ cho các nước nghèo. Ngân sách mới cũng sẽ cho phép Mỹ cho vay quyền rút vốn đặc biệt thông qua quỹ này đối với các nước nghèo.
Bà cũng cho biết Bộ Tài chính Mỹ đã thảo luận với các nhà chức trách Trung Quốc về sự cần thiết trong việc thúc đẩy sự tham gia nhiều hơn của các ngân hàng của nước này vào các nỗ lực giảm nợ cho các nước nghèo của G20.
Hồi tháng Tư, các nền kinh tế G20, trong đó có Mỹ, đã nhất trí gia hạn bản ghi nhớ về trả lãi khoản vay cho các nước nghèo nhất cho đến tháng 12 tới, khi có những lo ngại các nước này sẽ bị tụt lại sau trong quá trình phục hồi sau đại dịch của kinh tế toàn cầu.
Các ngân hàng Trung Quốc nằm trong số những ngân hàng cho vay nhiều nhất đối với các nước thu nhập thấp.
Phát biểu trước Ủy ban Chuẩn chi của Hạ viện Mỹ bà Yellen cho hay bà muốn đảm bảo sự hỗ trợ để các nước nghèo có thể có nguồn tài chính "tiếp sức" cho sự phục hồi kinh tế sau đại dịch./.