Mỹ khó khăn trong việc hàn gắn quan hệ giữa Israel và các nước Arab

Kết thúc chuyến công du 5 ngày với các hoạt động dày đặc, Ngoại trưởng Pompeo đã không đạt được tiến bộ nào trong việc thuyết phục các quốc gia Arab tiếp bước UAE bình thường hóa quan hệ với Israel.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau cuộc gặp tại Jerusalem ngày 24/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo (trái) trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sau cuộc gặp tại Jerusalem ngày 24/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Chuyến công du kéo dài 5 ngày của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tới một số nước Trung Đông, trong bối cảnh Israel và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) vừa đạt thỏa thuận lịch sử về bình thường hóa quan hệ, được giới phân tích đánh giá là “một mũi tên nhắm nhiều đích."

Cho đến nay, chỉ có 2 quốc gia Arab khác có quan hệ chính thức với Israel là Ai Cập và Jordan.

UAE là quốc gia Vùng Vịnh đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Israel.

Mark Fitzpatrick, chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), đồng thời là cựu quan chức ngoại giao Mỹ, bình luận: “Việc chính thức hóa mối quan hệ là một bước đi khôn ngoan của cả hai bên. Điều đó nhận được sự hoan nghênh trên ở Mỹ và giúp củng cố quan hệ đối tác trên thực tế của họ trước Iran.”

Đối với chính giới Mỹ, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và UAE đã giúp quốc gia Arab này nổi lên như một nhà đấu tranh cho các quyền của người Palestine vì rõ ràng họ đã làm trì hoãn kế hoạch của Israel nhằm sáp nhập các phần của khu Bờ Tây đang tranh chấp.

[Tại sao thỏa thuận bình thường hóa UAE-Israel được ký kết?]

Tuyên bố chung Mỹ-Israel-UAE nêu rõ: “Sau bước đột phá ngoại giao này và theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump với sự ủng hộ của UAE, Israel sẽ hoãn tuyên bố chủ quyền đối với “các vùng lãnh thổ của người Palestine đang tranh chấp” và “tập trung nỗ lực vào việc mở rộng quan hệ với các quốc gia khác trong thế giới Arab và Hồi giáo."

Thỏa thuận Israel-UAE đã làm hài lòng cả hai đảng ở Washington trong bối cảnh đảng Cộng hòa đang tìm cách cứu vãn kế hoạch hòa bình của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong khi đảng Dân chủ không hài lòng với các kế hoạch của Israel sáp nhập vùng lãnh thổ Palestine.

Trong bối cảnh đó, chuyến công du Trung Đông của Ngoại trưởng Pompeo được cho là nhằm “tô điểm” thêm thành tựu chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump nhằm giành lợi thế trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Những cam kết của Mỹ về hòa bình, an ninh và ổn định với Israel, Sudan và các nước vùng Vịnh chưa bao giờ mạnh mẽ hơn dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Donald Trump."

Trong chặng dừng chân đầu tiên là Israel vào ngày 24/8. Ngoại trưởng Pompeo đã có cuộc gặp Thủ tướng Benjamin Netanyahu và các quan chức đứng đầu các lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao của Tel Aviv.

Vấn đề hạt nhân của Iran, cải thiện quan hệ giữa Israel với các nước Arab và hạn chế sự hợp tác kinh tế giữa Israel với Trung Quốc là trọng tâm thảo luận trong các cuộc gặp trên.

Diễn ra cùng thời điểm với phiên khai mạc Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa, những người chỉ trích ông Trump cho rằng ông đang sử dụng chính sách ngoại giao Trung Cận Đông để tăng thêm sự ủng hộ từ khối cử tri Do Thái và Phúc Âm.

Mỹ khó khăn trong việc hàn gắn quan hệ giữa Israel và các nước Arab ảnh 1Chủ tịch Hội đồng Tối cao Sudan Abdel Fattah el-Burhan (phải) và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trong cuộc gặp tại Khartoum, Sudan, ngày 25/8/2020. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong chặng dừng chân tại Sudan, Ngoại trưởng Mỹ đã gặp Thủ tướng Abdalla Hamdok và Chủ tịch Hội đồng chủ quyền, Tướng Abdel Fattah al-Burhan để “bày tỏ sự ủng hộ đối với việc làm sâu sắc hơn mối quan hệ Sudan-Israel” và thảo luận về sự hỗ trợ của Mỹ đối với chính phủ chuyển tiếp ở Sudan.

Sudan đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ kể từ khi Tổng thống nước này Omar al-Bashir bị lật đổ vào tháng 4/2019 và đang tìm cách ra khỏi danh sách các quốc gia mà Mỹ coi là bảo trợ cho khủng bố.

Việc có tên trong danh sách tài trợ khủng bố từ năm 1993 đã khiến Sudan sau đó phải vật lộn với cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và kéo dài.

Sudan muốn được Mỹ sớm dỡ bỏ khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố và việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ là một bước  hướng tới mục tiêu này.

Tuy nhiên, để đưa Sudan ra khỏi danh sách các nước bảo trợ khủng bố còn phụ thuộc vào việc hoàn tất thỏa thuận bồi thường cho các nạn nhân trong vụ đánh bom các đại sứ quán Mỹ ở Kenya và Tanzania năm 1998.

Nhằm tận dụng lực đẩy từ thỏa thuận lịch sử giữa Israel và UAE, ông Pompeo còn đến Bahrain, UAE và Oman.

Với mục tiêu tối đa hóa lợi ích của Mỹ tại Trung Đông, Mỹ luôn muốn các nước trong khu vực “theo gương” Abu Dhabi để hiện thực hóa mục tiêu xây dựng trục đồng minh của Washington tại khu vực.

Hơn nữa, việc các nước vùng Vịnh bắt tay với Israel cũng khiến cho Washington và Tel Aviv có lợi thế hơn trong việc kiềm chế ảnh hưởng của Iran tại Trung Đông, vốn đang gia tăng  nhanh trong thời gian gần đây.

Theo các nhà ngoại giao, để thúc đẩy các mục tiêu trên, dự kiến, sau chuyến công du của ông Pompeo, cố vấn cấp cao Jared Kushner - đồng thời là con rể của Tổng thống Trump - cũng sẽ thực hiện chuyến công du đến hầu như tất cả các địa điểm mà Ngoại trưởng Pompeo đã ghé thăm.

Tuy nhiên, dư luận không kỳ vọng cả hai chuyến công du của ông Pompeo và ông Kushner sẽ mang lại những bước đột phá.

Và đúng như dự đoán, kết thúc chuyến công du 5 ngày với các hoạt động ngoại giao dày đặc ở Trung Đông, Ngoại trưởng Pompeo đã không đạt được tiến bộ nào trong việc thuyết phục các quốc gia Arab tiếp bước Abu Dhabi bình thường hóa quan hệ với Nhà nước Do Thái.

Chính phủ Sudan khẳng định họ không có “nhiệm vụ” thực hiện bước đi như vậy, trong khi tại Bahrain, quốc gia vùng Vịnh này nhắc lại quan điểm của Saudi Arabia rằng việc bình thường hóa quan hệ với Israel sẽ không thành hiện thực nếu không có một Nhà nước Palestine độc lập.

Chính quyền Palestine đã thể hiện rõ quan điểm về chuyến thăm của ông Pompeo, cho rằng chuyến thăm của Ngoại trưởng Mỹ sẽ không đóng góp gì vào tiến trình hòa bình nào giữa Palestine và Israel mà chỉ nhằm mục đích "đánh bóng" hình ảnh cho Thủ tướng Netanyahu và Tổng thống Trump, đặc biệt trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Theo quan điểm của Palestine, thỏa thuận bình thường hóa quan hệ UAE-Israel không góp phần chấm dứt cuộc xung đột Palestine-Israel, và trên thực tế, Israel chỉ "hoãn" chứ không "hủy" kế hoạch sáp nhập khu Bờ Tây.

Việc giải quyết được cuộc xung đột kéo dài giữa Israel-Palestine chắc chắn là điều kiện tiên quyết cho một nền hòa bình lâu dài và toàn diện trong khu vực.

Tuy nhiên, cho đến nay, tiến trình hòa bình Israel-Palestine vẫn trong tình trạng bế tắc do các bước đi của Tel Aviv đang cản trở tiến trình đàm phán nhằm đạt được một giải pháp về hai nhà nước cùng tồn tại với các đường biên giới trước cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.