Ngày 21/2, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry thừa nhận vẫn còn những cách biệt lớn trong lập trường của các nước tham gia đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran, đồng thời cảnh báo ông chủ Nhà Trắng Barak Obama không sẵn sàng kéo dài thời gian thương lượng.
Phát biểu trước báo giới tại trụ sở Đại sứ quán Mỹ ở Anh trong thời gian ở thăm nước này, Ngoại trưởng Kerry cho biết các bên tham gia đàm phán phải đi thêm một chặng đường nữa và Tổng thống Obama không có ý định kéo dài các cuộc đàm phán quá thời gian đã định, hàm ý tới thời hạn chót ngày 31/3 tới phải đạt đồng thuận về khuôn khổ chính trị cho thỏa thuận hạt nhân cuối cùng với Iran.
Ông Kerry cho biết thêm Tổng thống Obama sẵn sàng chấm dứt các cuộc đàm phán nếu cần thiết.
Trước khi diễn ra cuộc họp báo, Ngoại trưởng Kerry khẳng định Nhóm P5+1 (gồm năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Mỹ, Nga, Pháp, Trung Quốc cộng với Đức) hoàn toàn nhất trí với cách thức họ cho là cần thiết để Iran chứng minh chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn vì mục đích hòa bình.
P5+1 đang tìm cách đạt thỏa thuận nhằm ngăn chặn Iran sản xuất bom hạt nhân và nới lỏng các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Tehran.
Các nhà đàm phán Mỹ và Iran đã gặp song phương ở thành phố Geneva của Thụy Sĩ từ ngày 20/2 vừa qua, trong khi các nhà đàm phán P5+1 cũng gặp nhau tại đây trong ngày 22/2 để thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Ernest Moniz lần đầu tiên tham dự các cuộc đàm phán hạt nhân với Iran "vì khía cạnh kỹ thuật," như thông báo của Ngoại trưởng Kerry.
Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cũng tham gia vòng đàm phán lần này.
Truyền thông Iran cho biết ông Salehi đã đến Geneva cùng Ngoại trưởng nước này Javad Zarif. Đặc phái viên của Tổng thống Iran là ông Hossein Fereydoun cũng đến Geveva tham gia điều phối tiến trình đàm phán.
Theo kế hoạch, các bên tham gia đàm phán phải đưa ra được các khía cạnh chính trị cho thỏa thuận cuối cùng vào cuối tháng tới để để ký thỏa thuận đầy đủ trong ngày 31/3.
Tuy nhiên, giới chức Iran cho đến nay vẫn không hài lòng với đề xuất về một thỏa thuận hai giai đoạn. Trở ngại chính trong bất kỳ thỏa thuận nào là khối lượng urani mà Iran được phép làm giàu và số lượng máy ly tâm mà Tehran có thể duy trì.
Trong năm ngoái, mặc dù đã đạt nhiều tiến triển nhưng Iran và P5+1 đã không đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng vào đúng thời hạn chót ngày 24/11 để chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài 12 năm liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran.
Hai bên nhất trí kéo dài thời gian đàm phán thêm bảy tháng đến hết ngày 30/6. Theo kế hoạch, Iran và P5+1 sẽ nỗ lực nhằm đạt được một thỏa thuận khung trước tháng 3/2015 và sau đó tiến hành thương thảo các điều khoản chi tiết của thỏa thuận trong vòng ba tháng còn lại trước hạn chót nói trên./.