Mỹ kiện Google thao túng thị trường quảng cáo trực tuyến

Ngày 24/1, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã kiện Tập đoàn Google do độc quyền thao túng thị trường quảng cáo trực tuyến, mở ra cuộc chiến pháp lý mới nhằm vào "gã khổng lồ" công nghệ này.
Biểu tượng Google tại trụ sở ở Mountain View, California, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/1, Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) đã kiện Tập đoàn Google do độc quyền thao túng thị trường quảng cáo trực tuyến, mở ra cuộc chiến pháp lý mới nhằm vào "gã khổng lồ" công nghệ có trụ sở tại bang California này. 

Vụ kiện do DOJ khởi xướng cùng 8 bang gồm California, Colorado, Connecticut, New Jersey, New York, Rhode Island, Tennessee và Virginia. Trọng tâm của vụ kiện là vị thế độc quyền của Google trong lĩnh vực kinh doanh công nghệ quảng cáo, công nghệ mà các công ty dựa vào nhằm khai thác nhu cầu quảng cáo trực tuyến của họ.     

Theo nội dung đơn kiện, DOJ cáo buộc Google duy trì thế độc quyền phi pháp, sử dụng các phương thức chống cạnh tranh trái phép để loại bỏ hoặc giảm thiểu bất kỳ mối đe dọa nào tới vị trí độc quyền của hãng đối với các công nghệ quảng cáo kỹ thuật số. Điều này phá vỡ tính cạnh tranh công bằng và hợp pháp trong ngành quảng cáo.   

Các công tố viên cho rằng Google đang kiểm soát lĩnh vực quan trọng này, khiến các nhà sáng tạo trang web có được ít doanh thu hơn, các nhà quảng cáo vẫn phải trả nhiều tiền hơn, trong khi tính sáng tạo bị "bóp nghẹt" do thiếu các đối thủ cạnh tranh.   

Thứ trưởng Tư pháp Mỹ Lisa Monaco nhận định với mục đích thu được lợi nhuận cực lớn, Google đã gây mối đe dọa nghiêm trọng đối với các đơn vị cung cấp nội dung, các nhà quảng cáo trực tuyến cũng như đối với người tiêu dùng Mỹ.   

[Google thông báo cắt giảm 12.000 việc làm trên toàn cầu]

Phản ứng về vụ kiện, phía Google cho rằng đây là động thái sai lầm, dẫn tới làm chậm quá trình đổi mới, đẩy chi phí quảng cáo tăng cao và gây khó khăn cho quá trình phát triển của hàng nghìn doanh nghiệp, cũng như các đơn vị nhỏ chuyên phát triển và cung cấp nội dung. 

Trong khi đó, Hiệp hội ngành Máy tính và Truyền thông của Mỹ, một tổ chức vận động hành lang lớn về mảng công nghệ, cho rằng bên nguyên đơn đã không tính đến các đối thủ ngoại tuyến bao gồm các hình thức quảng cáo trên báo giấy, trên tivi hay đài phát thanh...     

Vụ kiện liên bang này diễn ra sau các vụ kiện cấp tiểu bang nhằm vào Google với cáo buộc công ty này thống trị bất hợp pháp thị trường tìm kiếm trực tuyến, công nghệ quảng cáo và ứng dụng trên nền tảng di động Android.

Google đã kịch liệt bác bỏ cáo buộc độc quyền nhằm vào hãng khi dẫn ra tên tuổi của nhiều đối thủ trên thị trường quảng cáo trực tuyến bao gồm Amazon, chủ sở hữu Facebook là Meta và Microsoft.

Mỹ là "đại bản doanh" của hàng loạt "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu gồm Google, Apple, Amazon và Meta. Washington phần lớn dựa vào các tòa án để kiềm chế quyền lực của những "ông lớn" này.

Đầu tháng 1/2023, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi các nhà lập pháp đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ phá vỡ thế bế tắc chính trị kéo dài nhiều năm qua và thông qua các điều luật nhằm siết chặt quy định đối với các "gã khổng lồ" công nghệ./.   

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục