Ngày 28/5, Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công bố bộ quy định và hướng dẫn đầu tiên nhằm bảo đảm thị trường carbon hoạt động thực sự hiệu quả.
Đây là bước đi nhằm thúc đẩy mạnh mẽ mô hình thị trường này trong nỗ lực cắt giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Cố vấn khí hậu quốc gia Nhà Trắng, ông Ali Zaidi nhấn mạnh việc xây dựng niềm tin sẽ giúp triển khai hiệu quả bộ quy tắc hướng dẫn trên.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen đưa ra các nguyên tắc nhấn mạnh tính tính gắn kết và thống nhất trong ba vấn đề chính, gồm tín chỉ carbon giúp giảm hoặc loại bỏ phát thải, trách nhiệm giải trình cho việc mua tín chỉ và tính minh bạch của thị trường carbon.
Theo ông Nat Keohane thuộc Trung tâm Giải pháp năng lượng và khí hậu ở Mỹ, việc công bố bộ quy tắc hướng dẫn nói trên cho thấy Chính phủ đang nỗ lực thúc đẩy và hỗ trợ sự phát triển của thị trường carbon. Theo ông, trong bối cảnh thị trường tồn tại nhiều loại tín chỉ carbon có chất lượng khác nhau trên thực tế, hướng dẫn này sẽ giúp thúc đẩy sự hoạt động hiệu quả của thị trường tín chỉ carbon.
Thị trường tín chỉ carbon là một hệ thống giao dịch cho phép các tổ chức mua bán quyền phát thải khí nhà kính, cụ thể là khí CO2. Tín chỉ carbon là chứng nhận đại diện cho việc một tập đoàn hoặc quốc gia có thể phát thải 1 tấn khí CO2 hoặc khí nhà kính khác được quy đổi tương đương 1 tấn CO2, nhưng sẽ phải “bù đắp” bằng việc đầu tư vào các dự án giảm hoặc loại bỏ lượng khí thải tương đương, thường là các dự án trồng cây hay bảo vệ rừng cũng như dự án thu giữ và lưu trữ CO2.
Thị trường bù đắp carbon hiện đạt giá trị khoảng 2 tỷ USD/1 năm. Tuy nhiên, nghiên cứu gần đây cho thấy đôi khi những con số báo cáo về mức phát thải được cắt giảm hoặc loại bỏ không dựa trên căn cứ nào hoặc được thổi phồng quá mức, làm dấy lên quan ngại về tính minh bạch của loại thị trường này.
Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi Khí hậu (COP28) diễn ra tại Dubai (Các tiểu vương quốc Arab thống nhất - UAE) hồi năm ngoái đã không đạt được thỏa thuận về một bộ quy tắc thống nhất toàn cầu nhằm quản lý thị trường carbon. Vì vậy, các nước đã tự thiết lập những quy định của riêng mình ở cấp độ song phương hoặc khu vực.
Có ý kiến cho rằng chính điều này sẽ tạo kẽ hở cho hành vi “tẩy xanh” - tức các bên mua tín chỉ có thể đưa ra thông tin không có cơ sở về mức cắt giảm hoặc loại bỏ phát thải để thể hiện trách nhiệm với môi trường./.
Việt Nam phát triển thị trường carbon: Xu thế không thể đảo ngược
Việt Nam không nằm ngoài xu thế chung trên thế giới, buộc phải nỗ lực thực hiện các biện pháp cắt giảm phát thải khí nhà kính hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.