Mỹ Latinh ít có khả năng cải thiện nhanh năng lực cạnh tranh

Theo IMD, việc nâng cao năng lực cạnh tranh tại Mỹ Latinh đang đình trệ, do các nước có khả năng hút đầu tư vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng, trong khi sức cạnh tranh của một số nước lại giảm.
Khách du lịch tắm biển tại bang Quintana Roo, Mexico. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trung tâm Năng lực Cạnh tranh Thế giới (IMD) ngày 31/5 nhận định rằng hoạt động nâng cao năng lực cạnh tranh tại Mỹ Latinh đang đình trệ, do các nước có khả năng thu hút đầu tư trong khu vực vẫn chưa tận dụng hết tiềm năng, trong khi sức cạnh tranh của một số nước như Brazil lại giảm.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc IMD Arturo Bris nhận định đây là một thất bại đối với Mỹ Latinh và mỗi nền kinh tế có những lý do khác nhau về vấn đề này.

Trong nhiều năm qua, Chile là quốc gia đứng đầu Mỹ Latinh trong danh sách xếp hạng sức cạnh tranh toàn cầu của 63 nền kinh tế trên thế giới do IMD đánh giá, dựa trên 260 chỉ số và kết quả khảo sát với lãnh đạo nhiều doanh nghiệp. Chile xếp ở vị trí thứ 35 trong số các nền kinh tế cạnh tranh nhất, đứng sau Tây Ban Nha nhưng vẫn dẫn trước sáu nước trong khu vực Mỹ Latinh.

Các chuyên gia IMD nhận định một trong những thách thức đối với Chile hiện nay trong việc cải thiện sức cạnh tranh là đem lại sức sống cho nền kinh tế, phát triển nền hành chính công hiệu quả hơn, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển thông qua các dự án hợp tác với các trường đại học và các công ty trong lĩnh vực công.

Mexico là quốc gia đứng thứ hai khu vực và xếp ở vị trí thứ 48 trong bảng xếp hạng nói trên. Chuyên gia IMD nhận định Mexico có nhiều cải cách thể chế nhưng nền kinh tế này bị ảnh hưởng bởi các chính sách của Mỹ.


[Bê bối tham nhũng tác động tiêu cực tới tăng trưởng của Mỹ Latinh]

Theo ông Bris, nhờ các chính sách cải cách của chính phủ, khu vực tư nhân của Mexico hoạt động hiệu quả, góp phần giúp quốc gia Trung Mỹ này có những đánh giá tốt hơn về các doanh nghiệp và tương lai nền kinh tế.

Trong khi đó, Colombia và Peru lần lượt xếp ở vị trí 54 và 55, ổn định hơn so với năm trước. Ông Bris khuyến cáo Colombia cần tăng cường sản xuất nông nghiệp nhằm thúc đẩy khả năng cạnh tranh, ổn định nền kinh tế, đồng thời cải cách chính sách trợ cấp nhằm đảm bảo người dân nghèo nước này được hưởng phúc lợi xã hội. Về Peru, chuyên gia Bris nhấn mạnh cần tăng trưởng kinh tế dựa trên các nguồn lực đa dạng và ổn định.

Cũng theo báo cáo của IMD, Argentina đứng thứ 58 trong số 63 nền kinh tế cạnh tranh nhất. Quốc gia Nam Mỹ này cần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm cho người lao động, cân bằng việc mở rộng thị trường nước ngoài với sự năng động của thị trường trong nước, đồng thời duy trì giảm thâm hụt ngân sách thực tế.

Về phần mình, Brazil là quốc gia xếp ở vị trí 61 trong danh sách trên. Một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với nền kinh tế lớn nhất khu vực là khôi phục lòng tin quốc tế, thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế, hiện đại hóa và đơn giản hóa các quy định. Brazil đã đánh mất tất cả các cơ hội và là một trong ba quốc gia có năng lực cạnh tranh kém nhất thế giới, dù nước này có sẵn tài nguyên thiên nhiên và thị trường nội địa. Nền kinh tế lớn nhất Mỹ Latinh này sẽ phải mất nhiều năm để phục hồi năng lực cạnh tranh.

Venezuela khép lại danh sách với vị trí thứ 63 như là quốc gia điển hình về mô hình kinh tế không có khả năng cạnh tranh. Chuyên gia Bris khẳng định quốc gia này không thể cạnh tranh vì không có sáng kiến của khu vực tư nhân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục