Ngày 3/6, Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng nhân đạo khẩn cấp của hàng nghìn người di cư đang lênh đênh trên biển tại Đông Nam Á và Địa Trung Hải.
Theo phóng viên TTXVN tại khu vực Mỹ Latinh, trong thông cáo của Bộ Ngoại giao và Vận động nhân đạo của Ecuador, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên CELAC, tổ chức tập hợp 33 quốc gia Mỹ Latinh này kêu gọi trách nhiệm của cộng đồng quốc tế trong việc đối phó các cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng trên.
CELAC cũng ủng hộ sự hợp tác chặt chẽ hơn nữa giữa các nước xuất phát, trung chuyển và tiếp nhận việc quản lý dòng người di cư một cách trật tự, có tổ chức và an toàn, đồng thời khẳng định việc bảo đảm các quyền con người của người di cư là một nhu cầu thiết yếu.
Sau khi lên án mạnh mẽ mọi hình thức buôn người hay tội phạm hóa người nhập cư, CELAC cũng nhấn mạnh việc cần thiết sử dụng các cơ chế quốc tế, nhất là qua hệ thống của Liên hợp quốc, trong việc cứu trợ người di cư, đặc biệt là những người đang gặp nguy hiểm tính mạng.
Hiện thế giới đang phải đối mặt với làn sóng người di cư ồ ạt tại nhiều nơi. Các quốc gia châu Á đang phải vật lộn với tình trạng người di cư lênh đênh trên các vùng biển của Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Tính riêng trong tháng Năm vừa qua, đã có khoảng 1.800 người Hồi giáo thiểu số Rohingya ở Myanmar và người Bangladesh tới Indonesia, trong khi Malaysia và Thái Lan cũng gặp phải tình trạng tương tự.
Trong khi đó, theo số liệu thống kê của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), kể từ đầu năm đến nay, đã có khoảng 1.770 người phải bỏ mạng trên Địa Trung Hải trong những hải trình di cư đầy mạo hiểm tới châu Âu nhằm trốn chạy khỏi xung đột và đói nghèo tại các quốc gia như Syria và Eritria. Con số này tăng gấp 30 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu tính trong vòng 18 tháng qua, số người di cư bỏ mạng trên biển đã vượt 5.000 người./.