Bộ Tài chính Mỹ đang xem xét nhiều biện pháp mới nhằm ngăn các công ty của nước này sáp nhập với các doanh nghiệp nước ngoài và sử dụng cái gọi là đảo thuế (Tax inversion) để tìm cách trốn thuế.
Chỉ vài tuần sau khi hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) công bố thỏa thuận mua công ty dược Allergan của Ireland với giá 113 tỷ USD, Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew đã nói với Quốc hội Mỹ rằng đảo thuế doanh nghiệp là “vấn đề nghiêm trọng” đang gây ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống thuế của nước này.
Theo Bộ trưởng, "mục đích chính của những giao dịch sáp nhập kể trên không phải là để phát triển kinh doanh, tối đa hóa lợi ích của sự phối hợp hay theo đuổi những lợi ích thương mại khác mà là để giảm thuế, thường là rất lớn."
Nhà lãnh đạo cho hay trong tuần này Bộ Tài chính sẽ công bố một số biện pháp hành chính mới nhằm ngăn chặn và giảm thiểu hơn nữa các lợi ích kinh tế của việc đảo thuế doanh nghiệp.
Đảo thuế doanh nghiệp thường phổ biến trong ngành dược phẩm, là một cách thức mà trong đó một công ty của Mỹ sẽ mua một công ty nước ngoài, thường nằm ở những nơi có mức thuế thấp, ví dụ như Ireland, sau đó đổi địa chỉ của công ty để tránh mức thuế cao tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Trong một tuyên bố của mình, Hạ nghị sỹ Sander Levin cho hay việc các công ty của Mỹ, trong đó có Pfizer, vẫn tiếp tục theo đuổi đảo thuế doanh nghiệp càng làm tăng tính cần thiết của việc bổ sung các biện pháp nhằm ngăn chặn xu hướng này.
Ông Levin cũng cho rằng Bộ Tài chính Mỹ, với quyền lực bị giới hạn, sẽ không thể chấm dứt hoàn toàn tình trạng này và kêu gọi Quốc hội “ra tay” bằng cách loại bỏ những ưu đãi nhằm khuyến khích việc sáp nhập trong luật thuế của mình./.