Nhằm theo dõi vệ tinh các nước và ngăn chặn những nguy cơ có thể xảy ra với các tàu vũ trụ của Mỹ, ngày 23/7, Không quân Mỹ lần đầu tiên phóng hai vệ tinh giám sát lên quỹ đạo.
Đây là hoạt động nằm trong dự án vũ trụ tuyệt mật mới được tiết lộ cách đây vài tháng.
Trong thông báo, Không quân Mỹ cho biết hai vệ tinh được phóng đi bằng tên lửa Delta IV từ căn cứ ở Cape Canaveral thuộc bang Florida.
Hai vệ tinh này sẽ hoạt động trên quỹ đạo cách bề mặt Trái Đất 35.900km, nơi các vệ tinh chủ chốt của Mỹ đang vận hành.
Theo Tư lệnh không quân vũ trụ Mỹ, Tướng William Shelton, hai vệ tinh giám sát mới sẽ giúp Mỹ bảo vệ các tài sản vô giá trong không gian thông qua việc gia tăng khả năng phát hiện các mục tiêu nguy hiểm và đưa ra cảnh báo sớm.
Ngoài ra, do hoạt động ở tầng quỹ đạo cao hơn hẳn so với các vệ tinh thông thường khác nên hai "tân binh" này cũng sẽ không làm ảnh hưởng đến đường đi của các vệ tinh quân sự đang hoạt động.
Hiện tại, các hoạt động giám sát không gian của Mỹ chỉ được tiến hành từ Trái Đất hoặc từ các tầng không gian thấp hơn, ở độ cao 200km tính từ bề mặt Trái Đất.
Tháng 3 vừa qua, Mỹ đã chính thức công khai một phần hoạt động của dự án bí mật mang tên Chương trình nhận diện tình huống trên vũ trụ (GSSAP) nhằm cảnh báo các quốc gia có âm mưu làm suy yếu hoặc vô hiệu hóa mạng lưới vệ tinh của Mỹ.
Giới chức tình báo Mỹ ngày càng tỏ ra lo ngại các thiết bị chống vệ tinh do Trung Quốc và một số quốc gia khác phóng lên có thể làm tê liệt mạng lưới thông tin liên lạc, vốn là cột trụ cho sức mạnh quân sự của Mỹ. Vì vậy, họ muốn phát triển thế hệ vệ tinh mới có thể hoạt động trong những điều kiện nguy hiểm, đồng thời phát triển công nghệ giúp các tàu vũ trụ có cơ chế cảnh báo tên lửa tốt hơn và có hệ thống thông tin liên lạc an toàn hơn.
Nhà thầu chính của dự án GSSAP là tập đoàn Orbital, hãng công nghệ cũng đang có chương trình hợp tác với Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) về vận chuyển hàng hóa lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS)./.