Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif ngày 5/2 khẳng định Mỹ sẽ khó đạt được mong muốn tại cuộc đàm phán sắp tới giữa nước Cộng hòa Hồi giáo này và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Zarif cho biết Mỹ muốn Iran từ bỏ các phần quan trọng trong chương trình hạt nhân của nước này nhưng “những mong muốn đó ít có khả năng trở thành hiện thực," do đó Washington đang đàm phán với Tehran để đạt được "một giải pháp dựa trên thực tế."
Ngoại trưởng Zarif cũng bác bỏ những bình luận mới đây của trưởng đoàn đàm phán Mỹ Wendy Sherman về vấn đề hạt nhân Iran, cho rằng chương trình hạt nhân hòa bình của Iran không cần đến cơ sở làm giàu urani ngầm dưới lòng đất và kiên cố như tại Fordow hay lò phản ứng nước nặng Arak.
Ông Zarif nêu rõ: "Công nghệ hạt nhân Iran là vấn đề không thể thương lượng... Chúng tôi sẽ không đàm phán về các cơ sở hạt nhân của mình." Ông Zarif còn cảnh báo rằng những phát biểu của bà Sherman có thể cản trở việc đạt được một giải pháp cho vấn đề hạt nhân Iran.
Iran đã ngừng làm giàu urani đến cấp độ 20% và bắt đầu làm loãng kho hạt nhân của nước này từ ngày 20/1 nhằm thực hiện các cam kết theo một thỏa thuận sơ bộ đạt được ngày 24/11/2013 tại Geneva (Thụy Sĩ). Nước này cũng đã nhận được phần đầu tiên trong khối tài sản bị đóng băng có tổng trị giá 4,2 tỷ USD như là một phần trong thỏa thuận sơ bộ trên.
Việc dỡ bỏ phong tỏa các khoản tiền trên được kỳ vọng sẽ đem lại "luồng gió mới" cho nền kinh tế đang khó khăn của Iran. Tuy nhiên, Tổng thống Iran Hassan Rouhani vẫn bị các nhân vật theo đường lối cứng rắn ở nước này chỉ trích vì đã đưa ra quá nhiều nhượng bộ trong khi lại nhận được quá ít.
Cuộc đàm phán về một thỏa thuận toàn diện cuối cùng dự kiến diễn ra vào ngày 18/2 tại Vienna (Áo). Iran đã đạt được thỏa thuận hạt nhân mang tính đột phá với Nhóm P5+1, nhưng một vấn đề gây tranh cãi đã nảy sinh khiến các cuộc đàm phán về tiến trình thực hiện thỏa thuận hạt nhân trên rơi vào bế tắc.
Nhóm P5+1 muốn Iran nghiên cứu và phát triển mô hình máy ly tâm công nghệ mới thay thế những máy mà Tehran đã lắp đặt, trong khi nước này tuyên bố việc nghiên cứu công nghệ máy ly tâm là rất quan trọng và chưa sẵn sàng đàm phán về việc từ bỏ nó.
Quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 5/2 một lần nữa lên tiếng hối thúc chính phủ Iraq chấm dứt việc cho phép các chuyến bay của Iran qua không phận nước này để chuyển thiết bị và hậu cần cho chính phủ của Tổng thống Syria Basha al-Assad.
Ông Brett McGurk, quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng là cố vấn cấp cao cho Đại sứ Mỹ tại Iraq và là Phó trợ lý phụ trách vấn đề Iraq và Iran, tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện nói rằng chính phủ của Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki cần phải làm nhiều hơn nữa để không cho phép Iran sử dụng không phận để chuyển vũ khí, hậu cần, thậm chí cả các tay súng sang Syria.
Ông Brett McGurk cho biết Mỹ rất thất vọng vì Iraq tiến hành việc này một cách thất thường./.