Mỹ tái khẳng định ủng hộ triển khai lực lượng LHQ tới Ukraine

Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine, ông Kurt Volker ngày 30/10 tái khẳng định lập trường ủng hộ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới miền Đông Ukraine.
Mỹ tái khẳng định ủng hộ triển khai lực lượng LHQ tới Ukraine ảnh 1Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine, ông Kurt Volker. (Nguồn: kyivpost.com)

Đặc phái viên của Mỹ về Ukraine, ông Kurt Volker ngày 30/10 tái khẳng định lập trường ủng hộ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc tới miền Đông Ukraine.

Theo quan chức Mỹ, điều này sẽ giúp tạo điều kiện để các bên thực thi nội dung chính trị trong các thỏa thuận Minsk.

Phát biểu trên truyền hình Ukraine, ông Volker cho rằng sự hiện diện của phái bộ Liên hợp quốc sẽ bảo đảm an ninh, tạo không gian và thời gian cho việc thực thi các điều khoản còn lại trong các thỏa thuận Minsk về giải quyết cuộc khủng hoảng tại miền Đông Ukraine.

Cũng theo quan chức này, phái bộ của Liên hợp quốc sẽ giúp các bên xung đột tại Ukraine tin tưởng lẫn nhau. Theo ông Volker, với số lượng cần thiết, phái bộ Liên hợp quốc có thể kiểm soát lãnh thổ, các hành động xung đột, qua đó ổn định tình hình, tạo điều kiện để tổ chức các cuộc bầu cử địa phương và trao đổi tù binh.

["Mỹ ủng hộ việc triển khai binh sỹ của LHQ tới miền Đông Ukraine"]

Đây cũng chính là những nội dung quan trọng trong các thỏa thuận Minsk. Tuy nhiên, quan chức Mỹ cho biết vấn đề về thành phần lực lượng Liên hợp quốc sẽ được triển khai tại miền Đông Ukraine vẫn đang được thảo luận.

Trước đó, Nga đã đề nghị Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cho phép triển khai một phái bộ vũ trang hạng nhẹ đến bảo vệ các quan sát viên quốc tế đang giám sát cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine.

Moskva muốn lực lượng này chỉ hoạt động ở dọc đường giới tuyến giữa các lực lượng của chính quyền Kiev với các tay súng đòi độc lập ở miền Đông Ukraine, và việc triển khai này phải được lực lượng đòi độc lập nhất trí.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã phản đối đề xuất này và tuyên bố phái bộ của Liên hợp quốc phải được phép tuần tra trên toàn khu vực xung đột và biên giới giữa Nga với vùng lãnh thổ của Ukraine mà lực lượng đòi độc lập đang kiểm soát.

Hồi giữa tháng 9 vừa qua, phát biểu với báo giới bên lề Hội nghị Chiến lược châu Âu Yalta tại Kiev, ông Volker cho rằng đề xuất của Nga là một "bước tiến." Tuy nhiên, ông cũng bày tỏ quan ngại rằng những điều khoản trong đề xuất của Nga "sẽ chỉ càng làm gia tăng sự chia rẽ tại Ukraine."

Theo quan điểm của ông Volker, không nên hạn chế phái bộ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc trong việc bảo vệ các quan sát viên Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại đường giới tuyến ở miền Đông Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.