Ngày 4/6, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Tổng thống Mỹ Joe Biden coi các vụ tấn công bằng mã độc tổng tiền (ransomware) ngày một thường xuyên hơn là một "mối quan ngại về an ninh quốc gia."
Phát biểu với báo giới, bà Psaki tái khẳng định Tổng thống Biden có kế hoạch nêu vấn đề trên với người đồng cấp Nga Vladimir Putin khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau tại Geneva (Thụy Sĩ) vào ngày 16/6.
Cùng ngày, trong cuộc phỏng vấn với tờ The Wall Street Journal, Gám đốc Cục Điều tra LB Mỹ (FBI) Christopher Wray cho biết cơ quan này đang điều tra khoảng 100 loại mã độc tống tiền khác nhau, trong đó có những mã độc được cho có liên quan tới các đối tượng ở Nga.
Theo ông Wray, mỗi một mã độc này được sử dụng cho các vụ tấn công bằng ransomware khác nhau tại Mỹ.
[Pháp yêu cầu Orange làm rõ sự cố viễn thông gây tê liệt dịch vụ SOS]
Trước phát biểu này, Điện Kremlin chỉ trích bình luận của Giám đốc FBI rằng Nga là nơi ẩn náu của các tin tặc là mang tính "cảm tính."
Mỹ gần đây liên tục hứng chịu các vụ tấn công mạng bằng mã độc ransomware nhằm vào các công ty lớn, các tổ chức phi chính phủ và các cơ quan chính phủ.
Mới đây nhất, ngày 2/6, dịch vụ vận hành khai thác bến phà ở bang Massachusetts của Mỹ trở thành mục tiêu của một vụ tấn công mạng, làm gián đoạn một phần hệ thống thanh toán của dịch vụ phà, ảnh hưởng đến khả năng xử lý thẻ tín dụng và dịch vụ phà nối giữa bán đảo Cape Cod với các đảo Nantucket và Martha's Vineyard.
Trước đó vài ngày, tin tặc đã "hỏi thăm" tập đoàn chế biến thịt hàng đầu thế giới JBS SA chi nhánh tại Mỹ, ảnh hưởng đến một số máy chủ hỗ trợ các hệ thống công nghệ thông tin của tập đoàn tại các cơ sở ở Bắc Mỹ và Australia.
Đầu tháng Năm, công ty Colonial Pipeline, nhà vận hành đường ống dẫn xăng dầu lớn nhất nước Mỹ, cũng đã bị tấn công mạng bằng mã độc tống tiền và buộc phải đóng một số hệ thống.
Sự cố này đã làm gián đoạn nguồn cung quy mô lớn, khiến hàng nghìn trạm xăng ở Bờ Đông nước Mỹ rơi vào cảnh khan hiếm hàng và giá xăng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2017./.