Ngày 31/1, với 68 phiếu thuận và 23 phiếu chống, tại phiên bỏ phiếu sơ bộ, Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật sửa đổi chính sách đối với khu vực Trung Đông của Mỹ do lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đề xuất, qua đó đặt ra nghi vấn về quyết định rút quân khỏi Syria của Tổng thống Donald Trump.
Dự luật nêu rõ dù cuộc chiến chống khủng bố tại Syria và Afghanistan đã đạt được nhiều tiến triển, nhưng các tổ chức khủng bố Hồi giáo vẫn là "mối đe dọa nghiêm trọng" đối với an ninh của nước Mỹ.
Việc rút quân đột ngột và không có những nỗ lực lâu dài, hiệu quả nhằm duy trì thành quả đã đạt được có thể khiến khu vực rơi vào bất ổn và để lại một khoảng trống quyền lực đáng kể cho các thế lực đối đầu với Mỹ tại đây gia tăng ảnh hưởng.
Do vậy, với dự luật này, Thượng viện kêu gọi chính quyền của Tổng thống Trump đánh giá lại các điều kiện đã đạt được để đánh bại hoàn toàn các tổ chức khủng bố trước khi thực hiện kế hoạch rút quân.
Đây được cho là một trong những lần hiếm hoi nhưng cũng đã là lần thứ hai trong vòng hai tháng qua phe Cộng hòa tại Thượng viện Mỹ có quan điểm trái chiều với Tổng thống Trump trong các chính sách đối ngoại.
Hồi tháng 12 vừa qua, viện Quốc hội này cũng đã thông qua dự luật chấm dứt hỗ trợ quân sự cho liên minh Arab do Saudi Arabia dẫn đầu can thiệp vào cuộc chiến tại Yemen và cáo buộc Thái tử nước này Mohamed bin Salman phải chịu trách nhiệm trong vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị sát hại tại Lãnh sự quán Saudi Arabia tại Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 10/2018.
[Mỹ đang ở giai đoạn đầu của kế hoạch rút quân khỏi Syria]
Tuy nhiên, cuộc bỏ phiếu này cũng chỉ mang tính tượng trưng.
Tuy không có tác động thực tế đến chính sách đối với khu vực Trung Đông của Nhà Trắng nhưng việc Thượng viện Mỹ thông qua dự luật sửa đổi này cho thấy quyết định rút quân nhanh chóng khỏi Syria mà ông chủ Nhà Trắng tuyên bố hồi tháng 12/2018 tiếp tục vấp phải sự phản đối ngày càng rộng rãi, thậm chí ngay từ chính đảng cầm quyền.
Ngay trước khi cuộc bỏ phiếu sơ bộ diễn ra, Thượng nghị sỹ Marco Rubio cho rằng kế hoạch của Tổng thống Trump là một ý tưởng tồi, đồng thời chỉ trích chỉ riêng việc tuyên bố kế hoạch rút quân cũng đã hạ thấp uy tín của Washington trong mắt các đồng minh.
Trước đó, hôm 29/1, một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho rằng hàng nghìn tay súng IS vẫn đang sẵn sàng tập hợp để xây dựng lại lực lượng bất kể khi nào chúng nhận thấy có cơ hội tại Syria, đặc biệt sau khi Mỹ rút quân và để lại khoảng trống quyền lực.
Ngay sau đó, Tổng thống Trump lập tức lên tiếng bác bỏ và gọi các quan chức tình báo là "ngây thơ và thụ động", cần được đào tạo lại.
Tổng thống Trump quyết định sẽ rút 2.000 binh lính Mỹ tại Syria về nước với lập luận rằng các tay súng IS hiện không còn gây ra mối đe dọa với Mỹ.
Cũng trong ngày 31/1, ông cho biết các binh lính Mỹ tại Afghanistan cũng sẽ sớm về nước ngay khi các bên đạt được thỏa thuận hòa bình nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 17 năm qua tại quốc gia này.
Mỹ và phiến quân Taliban tại Afghanistan đã đặt ra lộ trình đàm phán một hiệp ước hòa bình nhưng chưa có dấu hiệu nào cho thấy Taliban sẽ nhượng bộ trước những yêu cầu quan trọng của Mỹ.
Nhiều nghị sĩ Mỹ, trong đó có các nghị sỹ đảng Cộng hòa, quan chức Bộ Quốc phòng cũng như các đồng minh quốc tế của Washington đã lên tiếng phản đối quyết định này.
Hầu hết các ý kiến chỉ trích cho rằng việc rút quân có thể tác động đến tình hình thực địa, tạo ra những phân nhánh địa chính trị bất thường, củng cố vai trò của Nga và Iran - vốn ủng hộ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar Al-Assad - trong khu vực.
Bên cạnh đó, quyết định này còn khiến số phận của liên minh giữa các tay súng người Kurd và Arab, trong đó lực lượng người Kurd chiếm đa số, còn gọi là Các Lực lượng dân chủ Syria (SDF), được Mỹ ủng hộ, tham gia cuộc chiến chống IS, rơi vào tình cảnh không chắc chắn./.