Mỹ thừa nhận không thể ngăn cản dự án Dòng chảy phương Bắc 2

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington đã dừng các lệnh trừng phạt đối với dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 vì những lệnh này khó có thể ngăn hoàn thành dự án.
Mỹ thừa nhận không thể ngăn cản dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ảnh 1Tàu Akademik Cherskiy của Nga tham gia lắp đặt đường ống dẫn khí đốt của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 neo tại cảng Mukran, gần Sassnitz, Đông Bắc Đức. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết Washington đã tạm dừng các lệnh trừng phạt đối với dự án đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2 vì những lệnh này khó có thể ngăn hoàn thành dự án.

Phát biểu với báo giới ngày 20/7, ông Price cho biết Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nói rất rõ trong cuộc gặp với Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tuần trước rằng Washington tiếp tục phản đối đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga.

Ông Price cho rằng khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1/2021 thì đường ống dẫn khí đốt này đã được hoàn thành hơn 90%.

Lần gần đây nhất là vào tháng 5, Washington đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với 19 thực thể và tàu biển liên quan tới Dòng chảy phương Bắc 2.

Như vậy, chính phủ Mỹ đã áp đặt tổng cộng 19 biện pháp trừng phạt , so với chỉ có 2 mục tiêu đã bị trừng phạt bởi chính quyền Mỹ tiền nhiệm. Mặc dù vậy, ông Price thừa nhận rằng các lệnh trừng phạt này khó có thể ngăn cản việc xây dựng đường ống khí đốt Dòng chảy phương Bắc 2.

[Mỹ gần đạt thỏa thuận với Đức về dự án Dòng chảy phương Bắc 2]

Và đây là lý do khiến Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 19/5 công bố miễn áp đặt trừng phạt vào công ty thực hiện dự án Dòng chảy phương Bắc, căn cứ vào các lợi ích của Mỹ, theo cam kết của Tổng thống Biden nhằm xây dựng lại quan hệ với các đồng minh châu Âu.

Trong vài năm qua, dự án Dòng chảy phương Bắc 2 phải đối mặt với nhiều chỉ trích, kể cả từ một số nước châu Âu và từ Mỹ. Washington lo ngại dự án này khiến châu Âu ngày càng phụ thuộc vào khí đốt của Nga và gây tổn hại về kinh tế đối với những quốc gia trung chuyển truyền thống, trước hết là Ukraine./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Nông dân thu hoạch lúa mỳ trên cánh đồng ở vùng Stavropol, Nga. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Nga đề xuất thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS

Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ lớn nhất thế giới, đã đề xuất thành lập một sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, sau này có thể mở rộng sang giao dịch các mặt hàng chính khác như dầu, khí đốt và kim loại.