Ngày 18/8, đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về vấn đề kiểm soát vũ khí - ông Marshall Billingslea tuyên bố Mỹ sẵn sàng xem xét gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START - phía Nga gọi là START-3) dự kiến hết hạn vào tháng 2/2021 nếu vấn đề Nga tăng cường các vũ khí hạt nhân bên ngoài hiệp ước được giải quyết.
Phát biểu với phóng viên sau vòng đàm phán mới nhất tại Vienna (Áo) với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov, ông Billingslea - quan chức Mỹ phụ trách đàm phán với Moskva - khẳng định cần có một hệ thống xác minh vững chắc hơn.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ryabkov cho biết đàm phán về kiểm soát vũ khí diễn ra một cách hiệu quả, song hai bên vẫn còn nhiều bất đồng.
Ông khẳng định Moskva muốn gia hạn New START nhưng không phải bằng mọi giá. Đồng thời, Moskva kêu gọi Washington tập trung vào đàm phán song phương về New START hoặc một thỏa thuận mới.
Theo Thứ trưởng Ngoại giao Nga, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng gia hạn New START, nhưng không dồn sự tập trung vào ý định này mà trông đợi Nga nhượng bộ hơn nữa.
[Nga, Mỹ tiến hành đàm phán về kiểm soát vũ khí tại Vienna]
Hiệp ước New START hiện là thỏa thuận song phương duy nhất giới hạn kho vũ khí hạt nhân của Nga và Mỹ.
Theo thỏa thuận được ký năm 2010 này, Mỹ và Nga mỗi nước chỉ có thể triển khai 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo trên tàu ngầm (SLBM), và máy bay ném bom tầm xa mang bom hạt nhân; không quá 1.550 đầu đạn hạt nhân tầm xa; và không quá 800 bệ phóng ICBM, SLBM, máy bay ném bom có thể mang bom hạt nhân được triển khai hoặc chưa được triển khai.
Giới chuyên gia nhận định hiệp ước New START là một thành công trong tiến trình giải giáp vũ khí hạt nhân nếu biết rằng thời kỳ đỉnh điểm của Chiến tranh Lạnh, Nga và Mỹ mỗi nước sở hữu hơn 10.000 phương tiện có thể mang bom hạt nhân tấn công bên kia.
Hiệp ước New START sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021 và có thể gia hạn 5 năm nếu hai bên đồng ý.
Trước đó, phía Mỹ nhiều lần khẳng định sẵn sàng gia hạn hiệp ước New START với Nga dù trong ngắn hạn, nhưng với một số điều kiện đi kèm.
Cụ thể, Mỹ muốn đảm bảo một chế độ kiểm chứng hiệu quả được thực hiện để khôi phục lòng tin rằng các bên tham gia sẽ tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận trong tương lai.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng nhiều lần đề nghị Trung Quốc tham gia đàm phán cùng Mỹ và Nga về một hiệp ước đa phương.
Tuy nhiên, Trung Quốc, quốc gia được ước tính có khoảng 300 đơn vị vũ khí hạt nhân, đã cương quyết từ chối đề nghị này.
Theo báo cáo mới đây của Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), trong năm 2019, các cường quốc hạt nhân trên thế giới, dù nhìn chung đã giảm số lượng đầu đạn hạt nhân, song vẫn tiếp tục hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân.
Tính đến đầu năm nay, 9 cường quốc hạt nhân - trong đó có Mỹ, Nga, Trung Quốc - sở hữu tổng cộng 13.400 đơn vị vũ khí hạt nhân.
Khoảng 3.720 đơn vị vũ khí hạt nhân được lưu giữ trong kho tác chiến và khoảng 1.800 trong số này ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu./.