Mỹ tình nghi Triều Tiên đứng sau vụ đánh cắp tiền gửi tại Fed

Các công tố viên Mỹ tình nghi Chính phủ Triều Tiên đứng đằng sau vụ đánh cắp 81 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh tại Fed New York hồi năm năm ngoái.
Trụ sở Fed New York. (Nguồn: zerohedge.com)

Ngày 22/3, tờ Wall Street Journal (Nhật báo Phố Wall) đưa tin các công tố viên Mỹ tình nghi Chính phủ Triều Tiên đứng đằng sau vụ đánh cắp 81 triệu USD từ tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang chi nhánh New York (Fed New York) hồi năm năm ngoái.

Báo trên dẫn lời một số nguồn thạo tin cho biết các công tố viên tin rằng có một số đối tượng người Trung Quốc đã làm trung gian giúp Triều Tiên tiến hành vụ trộm được đánh giá thuộc hàng đình đám nhất ngành tài chính.

Hiện chưa rõ Mỹ có chính thức đệ đơn Triều Tiên hay không. Theo Wall Street Journal, các đặc vụ liên bang Mỹ đang tập trung vào những đối tượng trung gian trong vụ việc và Bộ Tài chính Mỹ đang cân nhắc áp đặt lệnh trừng phạt đối với những người này.

Hồi tháng 2/2016, Fed New York nhận được một loạt đề nghị chuyển khoảng 1 tỷ USD từ tài khoản của Ngân hàng Trung ương Bangladesh tại Fed tới một số tài khoản tại Philippines.

Fed New York từ chối phần lớn các đề nghị này, song lại thực hiện một số đề nghị trong đó và đã chuyển khoảng 81 triệu USD. Số tiền này sau đó được sử dụng tại các sòng bạc và một số thực thể khác ở Philippines. Đáng chú ý là những đề nghị này, được gửi qua Hệ thống Liên lạc tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT) - xương sống của của hệ thống tài chính toàn cầu, sử dụng các mã tiếp cận SWIFT "xịn," không bị giả mạo.

Tháng 12/2016, cảnh sát điều tra tại Dhaka cho biết một số nhân viên của Ngân hàng Trung ương Bangladesh đã làm lộ thông tin về hệ thống máy tính của cơ quan và tạo điều kiện để các tin tặc xâm nhập và thực hiện vụ trộm trên.

Vụ việc đã phơi bày tình trạng lơi lỏng giám sát và các "lỗ hổng" trong liên lạc liên ngân hàng. Sau đó, Fed, Chính phủ Bangladesh và SWIFT đã phải đối mặt chỉ trích gay gắt trong suốt nhiều tháng. Sau vụ việc, Fed New York đã ra nhiều tuyên bố, trong đó bao gồm cả các tuyên bố chung với Ngân hàng Trung ương Bangladesh và SWIFT, cam kết thu lại số tiền bị mất cắp và tăng cường an ninh cho hệ thống.

Hiện cả Fed New York và SWIFT đều chưa bình luận về thông tin trên. Trong khi đó, Bộ Tư pháp Mỹ cũng có phản ứng tương tự./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục