Mỹ trao cơ hội cuối cùng để sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Trump cho biết sẽ từ bỏ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran để lần cuối cùng tạo cơ hội cho Mỹ và các đồng minh châu Âu sửa chữa những "sai lầm tệ hại" trong thỏa thuận hạt nhân Iran.
Mỹ trao cơ hội cuối cùng để sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 12/1 cho biết ông sẽ không tái áp đặt các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran, đồng nghĩa với việc thỏa thuận hạt nhân lịch sử đạt được giữa Iran và nhóm P5+1(gồm Anh, Pháp, Nga, Mỹ, Trung Quốc và Đức) hồi năm 2015 vẫn được duy trì ít nhất tại thời điểm này.

Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định quan điểm phải thay thế thỏa thuận này bằng một một thỏa thuận khác cứng rắn hơn.

Trong một tuyên bố, nhà lãnh đạo Mỹ cho hay bất chấp việc bản thân phản đối mạnh mẽ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) nhưng Washington sẽ vẫn cam kết thực hiện thỏa thuận thêm 120 ngày nữa.

Trong thời gian đó, ông Trump muốn Quốc hội Mỹ và các đồng minh châu Âu soạn thảo thỏa thuận mới mà không cần thương lượng với Tehran để sửa chữa những điều mà ông cho là "sai lầm thảm họa" trong thỏa thuận hiện nay.

[EU khẳng định thỏa thuận hạt nhân với Iran đang phát huy hiệu quả]

Thỏa thuận mới theo hình dung của ông Trump sẽ chỉ có sự tham gia của Mỹ, Anh, Pháp và Đức và sẽ áp đặt các biện pháp kiểm soát cứng rắn hơn đối với Iran nếu tiếp tục nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Cụ thể, thỏa thuận đó sẽ không bắt đầu hết hiệu lực sau 10 năm giống như thỏa thuận hiện nay mà sẽ áp đặt vĩnh viễn các hạn chế đối với không chỉ các nhà máy hạt nhân của Iran mà cả chương trình tên lửa của nước này.

Ông Trump cũng nhắc lại chính sách của ông là ngăn chặn mọi ngả đường để Tehran vĩnh viễn không thể sở hữu vũ khí hạt nhân.

Phản ứng ngay sau đó, Ngoại trưởng Iran, Mohammad Javad Zarif cho rằng các tuyên bố của ông Trump là những "mưu toan liều lĩnh nhằm phá hoại một thỏa thuận đa phương vững chắc".

Trên mạng xã hội Twitter, ông Zarif viết: "Không thể đàm phán lại JCPOA. Thay vì thành kiến được lặp đi lặp lại, chính Mỹ phải tuân thủ đầy đủ thỏa thuận này - giống như Iran".

Hiện chưa có phản ứng từ các nước khác ký JCPOA (Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức) - hay Liên minh châu Âu (EU) vốn là tổ chức giám sát các cuộc đàm phán liên quan.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Đức cho biết Berlin sẽ thảo luận với các đồng minh châu Âu trước khi đưa ra quyết định hành động.

Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Trump ngày 11/1 nhấn mạnh quyết tâm của Pháp về việc tuân thủ nghiêm túc thỏa thuận này cũng như tầm quan trọng của việc tất cả các bên ký kết phải tôn trọng thỏa thuận"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Người dân sơ tán tránh xung đột tại Gaza ngày 22/10/2024. (Ảnh: THX/TTXVN)

Mỹ hối thúc Israel chuyển hướng chiến lược tại Gaza

Ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh Israel đã đạt được phần lớn mục tiêu chiến lược liên quan tới Gaza kể từ sau ngày 7/10 năm ngoái và đây là thời điểm để biến điều đó thành quả lâu dài và chiến lược.